Chủ đề STEM: Thước gấp

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2-3 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung Đo lường (Biểu tượng về đại lượng và đơn vị đo đại lượng; Thực hành đo đại lượng; Tính toán và ước lượng với các số đo đại lượng)

Mô tả bài học

  • Nội dung môn Toán lớp 2 có yêu cầu cần đạt như sau:
    • Nhận biết được các đơn vị đo độ dài dm (đề-xi-mét), m (mét) và quan hệ giữa các đơn vị đo độ dài đã học
    • Thực hiện được việc tính toán các số đo độ dài.
    • Sử dụng được thước thẳng có chia vạch đến xăng-ti-mét,... để thực hành đo.
  • Để đạt được các yêu cầu này, trong bài học STEM “Thước gấp”, học sinh sẽ hoàn thành thước gấp để dùng cho việc đo đạc độ dài/độ cao khá lớn và trang trí theo sở thích của nhóm.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo

Toán

  • Nhận biết được các đơn vị đo độ dài dm (đề-xi-mét), m (mét) và quan hệ giữa các đơn vị đo độ dài đã học.
  • Thực hiện được việc tính toán các số đo độ dài.
  • Sử dụng được thước thẳng có chia vạch đến xăng-ti-mét,... để thực hành đo.
Môn học tích hợp

Mĩ thuật

  • Biết xác định nội dung chủ đề và lựa chọn công cụ, vật liệu để thực hành.
  • Trả lời được các câu hỏi: Sản phẩm dùng để làm gì? Dùng như thế nào?
  • Biết kết hợp vẽ, cắt, xé dán,... trong thực hành, sáng tạo.
  • Biết giữ vệ sinh trường, lớp, đồ dùng học tập,… trong thực hành, sáng tạo.

I. Yêu cầu cần đạt

  • Nhận biết được các đơn vị đo độ dài dm (đề-xi-mét), m (mét) và quan hệ giữa đơn vị m và dm.
  • Xác định được công dụng và cách sử dụng của thước gấp.
  • Lựa chọn được công cụ, vật liệu để thực hành làm thước gấp.
  • Sử dụng được thước đo có chia vạch đến xăng-ti-mét để thực hành đo, vẽ đoạn thẳng có độ dài cho trước trong quá trình làm thước gấp.
  • Kết hợp được vẽ, cắt, xé dán,... và giữ vệ sinh lớp, đồ dùng học tập,… trong quá trình làm thước gấp.
  • Thực hành đo độ dài với thước gấp, tính toán với các số đo độ dài để giải quyết tình huống thực tiễn.
  • Tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao, trao đổi, chia sẻ ý kiến để hoàn thiện sản phẩm của nhóm
  • Có ý thức tự giác thực hiện nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn, đúng yêu cầu và đúng thời gian quy định.
  • Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được vào quá trình làm sản phẩm.
  • Mạnh dạn trao đổi ý kiến của mình, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác.
  • Giữ gìn tốt vệ sinh lớp học, có ý thức bảo quản vật liệu và đồ dùng học tập khi tham gia hoạt động thực hành làm sản phẩm.
Ảnh minh họa

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Phiếu học tập 1 1 phiếu/nhóm Xem phụ lục 1
2 Phiếu học tập 2 1 phiếu/nhóm Xem phụ lục 2
3 Mẫu thước 1 bộ/nhóm Xem phụ lục 3
4 Phiếu đánh giá 1 phiếu/nhóm Xem phụ lục 4
5 Ghim cánh phượng 10 cái/nhóm
6 Bút lông kim dầu (đen) 1 cây/nhóm
7 10 thanh hình chữ nhật (3cm x 12cm) được bo tròn đầu + 1 hình chữ nhật 3cmx5cm bằng nhựa PCV trơn màu sáng 1 cái/nhóm
8 1 dây 10 cm để treo logo 1 cái/nhóm

2. Chuẩn bị của học sinh

  • Giao cho mỗi nhóm (5-6 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng
1 Băng keo trong, kéo 1 bộ/học sinh
2 Màu, giấy màu, hồ dán (loại khô) 1 bộ/học sinh
3 Bút lông, thước kẻ, bút chì 1 bộ/học sinh

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1. Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

  • 1
    Học sinh xem video “Nhà của tê giác” (Học liệu số 1) và trả lời các câu hỏi của giáo viên. Giáo viên chốt đáp án.
  • 2
    Ngôi nhà để giúp tê giác tránh mưa và tránh nắng cần có chiều cao như thế nào? ( Cần cao hơn tê giác)

    Làm thế nào để đo được chiều cao của tê giác? (dùng thước)

    ⦁ Các em có thể dùng thước của mình để đo chiều cao ngôi nhà tê giác được không? Tại sao? ( Không, vì độ dài thước không đủ để đo)

  • 3 Giáo viên chốt lại: thước thẳng các em thường dùng không đủ độ dài để thực hiện nhiệm vụ đo chiều cao của tê giác.
Ảnh minh họa

b) Giao nhiệm vụ

  • - Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm làm thước có độ dài đáp ứng việc đo chiều cao của tê giác.
  • - Học sinh hoàn thành Phiếu học tập 1 (xem phụ lục) để chọn ra loại thước có thể đo chiều cao của tê giác. Giáo viên chốt đáp án và dẫn dắt việc sử dụng thước gấp vì nó nhiều ưu điểm: đo được độ dài khá lớn, có thể gấp lại và mở ra dễ dàng, thuận tiện để mang theo.
Các nhóm học sinh nhận nhiệm vụ tự thiết kế và làm thước gấp để đo chiều cao tê giác với các yêu cầu sau:
  • 1.Thước gấp gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn có độ dài đúng 10cm và có chia các vạch đều nhau 1cm và có ghi rõ số đo tại mỗi vạch.
  • 2.Độ dài của thước gấp khi mở ra là từ 30cm đến 50cm.
  • 3.Khi sử dụng, có thể mở ra và gấp thước lại dễ dàng.
  • 4.Trên thước gấp có ghi tên nhóm và vẽ logo của nhóm cùng một số chi tiết trang trí khác theo sở thích của nhóm.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

- Học sinh nhận Phiếu học tập 2 và làm việc theo nhóm để giải quyết nhiệm vụ 1 trong phiếu. Giáo viên mời 1 nhóm báo cáo kết quả của nhóm trước lớp. Các nhóm khác bổ sung nếu cần.

- Học sinh ghi nhận lại thông tin chính xác.

*Gợi ý hỗ trợ cho học sinh:

Yêu cầu 1: Thước gấp có cấu tạo và được sử dụng như thế nào?

- Thước gấp có cấu tạo từ các đoạn thước ghép lại với nhau. Mỗi đoạn thước có thể dài 10 cm (theo quan sát như hình). Trên mỗi đoạn thước có chia vạch cm. Mỗi đoạn thước được kết nối với nhau bởi các khớp nối có thể xoay được, hoặc mở ra và xếp lại dễ dàng.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

Để có cơ sở đề xuất và lựa chọn giải pháp làm thước gấp, các nhóm hoàn thành các nhiệm vụ sau:

Nhiệm vụ 1: Em hãy đo và vẽ một đoạn thước thể hiện 10cm có chia các vạch đều nhau 1cm.

  • Giáo viên lưu ý học sinh viết đơn vị đo trên thước.
  • Giáo viên giới thiệu đơn vị đề-xi-mét: Đề-xi-mét là một đơn vị đo độ dài. Đề-xi-mét viết tắt là dm. 1dm = 10cm hay 10cm = 1dm.

Nhiệm vụ 2: Thước gấp sẽ có chiều dài bao nhiêu cm nếu có 5 đoạn mà mỗi đoạn dài 10cm? Chiều dài thước gấp tính theo dm? m?

  • Chiều dài của thước gấp theo đơn vị cm là: 10 cm10=100 cm=10 dm
  • Giáo viên giới thiệu đơn vị mét: Mét là một đơn vị đo độ dài. Mét viết tắt là m. 1 m = 10 dm; 1 m = 100 cm.

Nhiệm vụ 3: Vẽ mô hình thước gấp theo yêu cầu.

  • Học sinh xác định số đoạn thước cần có thông qua bài toán: Cần làm một cây thước gấp có chiều dài 3 đến 5 dm, biết rằng mỗi đoạn thước thể hiện 10 cm, hỏi cần bao nhiêu đoạn thước?
  • Giáo viên chốt đáp án.
  • Học sinh vẽ 3-5 đoạn thước có độ dài 10cm.

Giáo viên lưu ý học sinh cách ghi số đo độ dài theo đơn vị xăng-ti-mét ở những đoạn thước theo thứ tự liên tiếp từ 0 cm đến 50 cm, viết tên nhóm, logo nhóm ở trên bề mặt của đoạn thước đầu tiên.

Hình ảnh minh họa để gợi ý cho học sinh (nếu cần)

Nhiệm vụ 4: Các nhóm chọn 1 trong 2 cách để nối các đoạn thước lại với nhau để dễ cất thước trong cặp sau khi sử dụng

  • Cách 1: dùng băng keo để dán các đoạn thước lại với nhau.
  • Cách 2: bấm lỗ ở 1 đầu của 2 đoạn thước và dùng ghim cánh phượng để nối các đoạn thước lại.

* Giáo viên chốt lại cách thực hiện nối các đoạn thước bằng cách bấm lỗ và dùng ghim cánh phượng (hoặc ghim có công dụng tương tự).

  • Học sinh thảo luận nhóm và hoàn thành các nhiệm vụ còn lại trong Phiếu học tập 2 để đề xuất phương án làm thước gấp.
  • Học sinh lắng nghe giáo viên chốt lại thông tin chính xác. Các nhóm điều chỉnh, bổ sung câu trả lời nếu nhóm mình trả lời thiếu hoặc chưa chính xác.

b) Chế tạo, thử nghiệm và đánh giá

*Để hỗ trợ quá trình làm sản phẩm, giáo viên chuẩn bị sẵn cho học sinh mẫu thước có bấm sẵn lỗ trên đầu thước.

  • Mỗi nhóm nhận bộ nguyên vật liệu từ giáo viên cung cấp và các nhóm tiến hành hoàn thiện sản phẩm theo bản thiết kế của nhóm.
  • Trong quá trình làm sản phẩm, học sinh lắng nghe và chú ý một số yêu cầu của giáo viên như sau:
    • Đối với các khớp nối, kiểm tra các đoạn thước có xoay để mở ra và xếp lại dễ dàng hay không.
    • Đối với các đoạn thước, vẽ đầy đủ vạch chia trên thước và ghi đơn vị đo cm, đầy đủ số đo từ 0 cm đến 50 cm.
  • Giáo viên có thể hỗ trợ các nhóm nếu cần. Giáo viên nhắc các nhóm ghi tên nhóm, logo nhóm và trang trí thước.

c) Chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh

  • Các nhóm học sinh lắng nghe quy trình trình bày và cách đánh giá sản phẩm thước gấp từ giáo viên như sau:
    • Đại diện nhóm trình bày về sản phẩm theo gợi ý:
      • - Nêu tên nhóm, logo của nhóm.
      • - Mở thước gấp để xem các vạch chia và các chi tiết trang trí trên thước
      • - Thử nghiệm hoạt động của thước gấp khi đo chiều cao/chiều dài của vật.
    • Mỗi học sinh sử dụng 1 sticker để lựa chọn sản phẩm ấn tượng nhất.
  • Giáo viên tiến hành đánh giá sản phẩm các nhóm dựa theo tiêu chí đã nêu. Giáo viên khen ngợi nhóm được nhiều stickers và động viên, khuyến khích các nhóm khác.
  • Học sinh sử dụng thước gấp đã được các nhóm chế tạo để thực hành đo theo đơn vị dm và cm:
    • Giáo viên chuẩn bị một mô hình tê giác bằng giấy được đính trên bảng lớp bằng nam châm.
    • Mỗi nhóm học sinh tiến hành đo và ghi nhận kết quả của nhóm
  • Học sinh lắng nghe giáo viên nhận xét chung về các nhóm và các nội dung quan trọng của chủ đề, bao gồm cấu tạo, cách sử dụng thước gấp và các giá trị đơn vị đo đã được sử dụng.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

Phiếu học tập 1

- Yêu cầu: Em hãy cho biết mỗi loại thước phù hợp hay không phù hợp với việc đo chiều cao của tê giác và giải thích lý do.

Phiếu học tập 2

- Yêu cầu: Các nhóm hoàn thành các nhiệm vụ sau:

2. Phiếu đánh giá

Phiếu đánh giá sản phẩm

Tiêu chí Mức độ
Tốt Đạt Chưa đạt
Thước gấp gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn có độ dài đúng 10 cm và có chia các vạch đều nhau 1 cm và có ghi rõ số đo tại mỗi vạch.
Độ dài của thước gấp khi mở ra là 30-50 cm.
Khi sử dụng, có thể mở ra và gấp thước lại dễ dàng.
Trên thước gập có ghi tên nhóm và vẽ biểu tượng hoặc ghi tên của nhóm cùng một số chi tiết trang trí khác theo sở thích của nhóm.

Phiếu đánh giá làm việc nhóm

Tiêu chí Mức độ
Tốt Đạt Chưa đạt
Phân công nhiệm vụ các thành viên cụ thể, hợp lý.
Các thành viên trong nhóm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác.
Nhóm hoàn thành sản phẩm đạt yêu cầu đúng thời hạn
Bảo quản tốt nguyên vật liệu của nhóm.

3. Sản phẩm minh họa