Chủ đề STEM: Bí kíp ăn uống lành mạnh

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2 tiết (70 phút)

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung Chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể (môn Tự nhiên và xã hội)

Mô tả bài học

  • Nội dung môn Tự nhiên và xã hội lớp 3 có yêu cầu cần đạt về việc chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể như sau:
  • Kể được tên một số thức ăn, đồ uống và hoạt động có lợi cho các cơ quan tiêu hoá, tim mạch, thần kinh.
  • Để đạt được các yêu cầu cần đạt này, trong bài học STEM “Bí kíp ăn uống lành mạnh”, học sinh sẽ làm một đồ dùng học tập là bảng xoay để tìm hiểu và ôn tập kiến thức về các loại thức ăn, đồ uống có lợi cho các cơ quan tiêu hoá, tim mạch, thần kinh trong cơ thể.
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học
Môn học chủ đạo

Tự nhiên và xã hội

  • Kể được tên một số thức ăn, đồ uống và hoạt động có lợi cho các cơ quan tiêu hoá, tim mạch, thần kinh
Môn học tích hợp

Công nghệ

  • Lựa chọn được vật liệu làm đồ dùng học tập đúng yêu cầu.
  • Sử dụng được các dụng cụ để làm đồ dùng học tập đúng cách, an toàn.
  • Làm được một đồ dùng học tập đơn giản theo các bước cho trước, đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, thẩm mĩ.

Toán

  • Sử dụng được compa để vẽ đường tròn.
  • Giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gấp, cắt, ghép, xếp, vẽ và tạo hình trang trí.

Mĩ thuật

  • Hiểu được một số thao tác, công đoạn cơ bản để làm nên sản phẩm.
  • Sử dụng được các dụng cụ để làm đồ dùng học tập đúng cách, an toàn.
  • Làm được một đồ dùng học tập đơn giản theo các bước cho trước, đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, thẩm mĩ.
I. Yêu cầu cần đạt
  • Nhận biết được loại thức ăn, đồ uống có lợi hay không có lợi cho sức khỏe.
  • Kể tên các loại thức ăn, đồ uống tốt cho cơ quan tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh.
  • Lựa chọn được vật liệu và làm được bảng xoay “Bí kíp ăn uống lành mạnh” đúng yêu cầu và đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, thẩm mĩ.
  • Thực hiện được việc đo, vẽ, cắt hình tròn và chia hình tròn thành các phần bằng nhau.
  • Hợp tác được với các thành viên trong nhóm khi thực hiện các nhiệm vụ học tập.
  • Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm, đóng góp ý kiến cá nhân để hoàn thiện sản phẩm của nhóm mình và các nhóm khác.
Ảnh minh họa

II. Đồ dùng học tập

1. Chuẩn bị của giáo viên

  • Các phiếu học tập và phiếu đánh giá.
  • Các video hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức, làm mô hình.
  • Nguyên vật liệu giáo viên chuẩn bị cho 1 nhóm học sinh:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Giấy Roki khổ A3 1 tờ
2 Giấy bìa cứng màu A4 1 tờ
3 Hình ảnh một số loại thức ăn, đồ uống Mỗi nhóm học sinh 1 bộ
4 Hình ảnh mặt cười, mặt mếu và các cơ quan tim mạch, thần kinh, tiêu hóa 1 bộ
5 Ghim cánh phượng (đinh ghim 2 chân) 1 cái

2. Chuẩn bị của học sinh

  • - Giao cho mỗi nhóm (5-6 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Kéo 1 cái
2 Bút chì 1 cái
3 Thước kẻ 1 cái
4 Compa 1 cái
5 Hồ dán 1 hộp

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1. Mở đầu

a) Khởi động:

- Giáo viên chia lớp thành các nhóm học sinh theo tổ hoặc thẻ màu (5-6 học sinh/nhóm).

  • 1
    Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm về những loại thức ăn, đồ uống mà các học sinh sử dụng hằng ngày trong thời gian 3 phút, sau đó viết kết quả lên bảng nhóm.
  • 2
    Học sinh treo các bảng nhóm lên bảng lớn. Sau đó đại diện 1-2 nhóm chia sẻ về kết quả thảo luận.
  • 3 Học sinh các nhóm khác và giáo viên nhận xét và bổ sung.
Ảnh minh họa

- Giáo viên dẫn dắt: Thức ăn, đồ uống chúng ta sử dụng hằng ngày rất phong phú và đa dạng, nhưng không phải loại thức ăn, đồ uống nào cũng tốt cho cơ thể nếu chúng ta sử dụng thường xuyên. Vậy làm sao có thể nhận biết được loại thức ăn, đồ uống nào tốt cho cơ thể và đặc biệt có lợi cho các cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh?

b) Giao nhiệm vụ

- Để nhận biết được loại thức ăn, đồ uống có lợi cho cơ quan tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh từ đó lựa chọn các loại thức ăn, đồ uống tốt cho sức khỏe, giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm tìm hiểu về các loại thức ăn, đồ uống, lựa chọn nguyên vật liệu, thiết kế và làm bảng xoay “Bí kíp ăn uống lành mạnh” với các yêu cầu sau đây:
1. Cung cấp được thông tin về ít nhất 16 loại thức ăn, đồ uống sử dụng hằng ngày. Thông tin về mỗi loại thức ăn, đồ uống bao gồm: loại thức ăn, đồ uống đó có lợi hay không có lợi nói chung, và có lợi cho cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn hay thần kinh.
2. Chỉ cung cấp thông tin về một loại thức ăn, đồ uống tại một thời điểm.
3. Được làm bằng giấy hoặc bìa cứng hoặc vật liệu tái chế.
4. Có thể xoay và trình bày ngay thông tin về một loại thức ăn, hoặc đồ uống. .
5.Được trình bày đẹp.

Giáo viên dẫn dắt học sinh: để làm được bảng xoay “Bí kíp ăn uống lành mạnh” theo yêu cầu trên, cần tìm hiểu các kiến thức nền ở hoạt động tiếp theo.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

a) Lựa chọn thức ăn, đồ uống có lợi cho cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh (5 phút)

Giáo viên chiếu lên màn hình bằng máy chiếu bảng 20 loại thức ăn, đồ uống và yêu cầu học sinh hoàn thành nhiệm vụ 1 trong phiếu học tập thảo luận theo nhóm lựa chọn loại thức ăn, đồ uống nào có lợi, loại nào không có lợi cho sức khỏe và giải thích lí do của sự lựa chọn đó.

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

  • - Học sinh tham gia thảo luận nhóm và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian 5 phút.
  • - Giáo viên mời đại diện học sinh lên bảng và trình bày kết quả thảo luận của nhóm và giải thích lí do lựa chọn.
  • - Các nhóm khác cùng giáo viên nhận xét, bổ sung.
  • - Giáo viên tiếp tục giao nhiệm vụ các nhóm thảo luận: Trong các loại thức ăn, đồ uống trên, em hãy chọn loại nào có lợi cho cơ quan tiêu hóa, thần kinh, tuần hoàn và giải thích lí do.
  • - Học sinh tham gia thảo luận nhóm và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian 5 phút.
  • - Giáo viên mời đại diện học sinh lên bảng lựa chọn và điền tên các loại thức ăn, đồ uống có lợi cho từng cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh vào bảng sau:
- Giáo viên kết luận: Để bảo vệ cơ quan tiêu hóa, thần kinh, tuần hoàn, các em nên sử dụng các loại thức ăn, đồ uống tươi, sạch, được nấu chín và hợp vệ sinh; đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ uống có ga, bia, rượu và thức ăn có chứa nhiều chất chua, cay….

2.2 Liên hệ các loại thức ăn, đồ uống yêu thích

  • - Học sinh thảo luận cặp đôi, chia sẻ về các loại thức ăn, đồ uống yêu thích và đánh giá những thức ăn, đồ uống đó có lợi hay có hại cho các cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh nếu sử dụng thường xuyên.
  • - Giáo viên mời 2-3 nhóm học sinh lên chia sẻ trước lớp. Giáo viên có thể gợi ý học sinh mẫu trình bày “Nếu sử dụng thường xuyên thức ăn, đồ uống trên thì sẽ …………….. cho cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh vì ……………………… Do đó, em sẽ……… .”
  • - Các nhóm học sinh khác nhận xét, bổ sung.
  • - Giáo viên nhận xét và cùng học sinh rút ra kết luận: Chúng ta cần thường xuyên sử dụng những loại thức ăn, đồ uống có lợi, thay đổi thói quen và hạn chế sử dụng những thức ăn, đồ uống không tốt cho cơ thể.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

  • Học sinh quan sát sản phẩm mẫu và mô tả hình dạng, kích thước, các bộ phận của bảng xoay trong sản phẩm mẫu
  • Dựa vào việc tìm hiểu sản phẩm mẫu, các nhóm lựa chọn các vật liệu, dụng cụ để làm sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Sau đó thảo luận đề xuất ý tưởng, thực hiện vẽ hình các bộ phận của bảng xoay “Bí kíp ăn uống lành mạnh”, ghi chú các nguyên vật liệu cần sử dụng và đề xuất các bước thực hiện làm sản phẩm vào phiếu học tập.
Phương án làm sản phẩm
    - Các nhóm trình bày phương án làm sản phẩm của nhóm trong thời gian 3 phút, sau đó nghe góp ý nhận xét từ nhóm bạn và giáo viên. Giáo viên có thể đặt ra một số câu hỏi thảo luận như sau:
  • + Làm thế nào để sản phẩm có thể xoay được?
  • + Ngoài hình tròn như sản phẩm mẫu, có thể thiết kế bảng xoay với các hình dạng khác được không? Vì sao?
  • + Làm thế nào để bảng xoay chỉ cung cấp thông tin về một loại thức ăn, đồ uống tại một thời điểm?
  • + Làm thế nào có thể mô tả ngắn gọn các thông tin về thức ăn, đồ uống?
  • - Giáo viên nhận xét và bổ sung, đồng thời nhắc lại các yêu cầu của sản phẩm và lưu ý học sinh như sau:
  • Cần xác định tâm, lựa chọn độ dài bán kính và dùng compa để vẽ hình tròn lớn trên giấy Roki.
  • Lựa chọn độ dài bán kính của hình tròn nhỏ sao cho khoảng cách giữa hình tròn lớn và nhỏ đủ để dán các hình ảnh thức ăn, đồ uống.
  • Dùng compa để vẽ hình tròn nhỏ sao cho hình tròn nhỏ đồng tâm với hình tròn lớn
  • Dùng thước thẳng và bút chì chia 2 hình tròn thành 16 phần bằng nhau (lần lượt chia đôi hình tròn, sau đó chia tiếp thành 4 phần, chia thành 8 phần rồi chia thành 16 phần).
  • Hình tròn xoay có độ dài bán kính bằng hình tròn nhỏ, sử dụng compa để đo và vẽ trên giấy bìa cứng màu.
  • Cần đo kích thước ô trống trên hình tròn xoay và cắt sao cho thể hiện được các thông tin phía dưới.
  • Gắn ghim cánh phượng để cố định 2 hình tròn và cần ghim ở tâm 2 hình tròn.

b) Chế tạo, thử nghiệm và đánh giá

  • Giáo viên hướng dẫn các bước tiến hành: Học sinh làm việc theo nhóm, làm sản phẩm theo phương án đã thống nhất trong vòng 25 phút. (Giáo viên có thể điều chỉnh tùy theo đặc điểm học sinh. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh tự sưu tầm hoặc giáo viên cung cấp hình dán các loại thức ăn, đồ uống).
  • Các nhóm tiến hành làm và thử nghiệm sản phẩm theo bản vẽ đã được góp ý. Trong quá trình làm sản phẩm, các nhóm có thể điều chỉnh phương án nếu cần. Ghi chú lại điều chỉnh này.
  • Các nhóm tự đánh giá sản phẩm của nhóm mình đã đạt các yêu cầu giáo viên đề ra ban đầu chưa.
  • Giáo viên quan sát và hỗ trợ các nhóm trong quá trình chế tạo và thử nghiệm sản phẩm. Giáo viên yêu cầu học sinh vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc sau khi hoàn thành sản phẩm.

3.3 Chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh

  • Giáo viên tổ chức cho các nhóm trưng bày sản phẩm và trình bày bài báo cáo với các nội dung sau trong thời gian 3 phút:
    • Giới thiệu sản phẩm (có thể chỉ cần nêu điều chỉnh so với thiết kế)
    • Giải thích từng loại thức ăn, đồ uống có lợi hay không có lợi cho các cơ quan.
    • Tự đánh giá sản phẩm của nhóm mình và các nhóm khác.
  • Các nhóm khác lắng nghe và nhận xét, góp ý cho nhóm bạn.
  • Các nhóm đánh giá sản phẩm và phần thuyết trình của nhóm bạn theo Phiếu đánh giá 1 và tự đánh giá kết quả làm việc nhóm theo Phiếu đánh giá 2
  • Giáo viên tổng hợp kết quả đánh giá và nhận xét tiết học, tuyên dương tinh thần làm việc của học sinh.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

Nhiệm vụ 1: Em hãy liệt kê loại thức ăn, đồ uống nào có lợi và loại nào không có lợi cho sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên vào bảng sau:

Nhiệm vụ 2: Vẽ phác thảo bảng xoay “Bí kíp ăn uống lành mạnh”

2. Phiếu đánh giá

3. Sản phẩm minh họa