Chủ đề STEM: Thước tròn phần trăm

Môn học chủ đạo: Toán

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh đã học nội dung Một số yếu tố thống kê trong môn Toán.

Mô tả chủ đề:
  • Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện cho học sinh thực hành sắp xếp số liệu vào biểu đồ hình quạt, đọc và mô tả các số liệu ở dạng biểu đồ hình quạt.
  • Trong hoạt động trải nghiệm này, học sinh kết hợp các kĩ năng cắt, dán, xếp, gắn, vẽ ở môn Mĩ thuật để tạo ra dụng cụ học tập có tên gọi Thước tròn phần trăm nhằm phục vụ cho việc đọc các số liệu thống kê phần trăm trên biểu đồ tròn.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Nội dung chủ đạo
Nội dung tích hợp

Toán

  • Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ hình quạt tròn.
  • Sắp xếp được số liệu vào biểu đồ hình quạt tròn.
  • Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với các kiến thức khác trong môn Toán (ví dụ: số thập phân, tỉ số phần trăm,...).

Mĩ thuật

  • Phối hợp được một số kĩ năng: cắt, dán, xếp, gắn, vẽ,… (trong thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D).
  • Phân biệt được vật liệu tự nhiên, vật liệu nhân tạo, vật liệu sưu tầm, tái sử dụng ở sản phẩm thủ công.

Công nghệ

  • Thiết kế được một sản phẩm thủ công kĩ thuật đơn giản theo hướng dẫn.

I. Mục tiêu

  • Nhận biết được mối liên hệ giữa thống kê với các kiến thức số thập phân, tỉ số phần trăm,... trong môn Toán.
  • Đọc và mô tả được các số liệu ở dạng biểu đồ hình quạt tròn.
  • Vẽ đường tròn, chia vạch từ 0% đến 100%.
  • Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra thước tròn phần trăm.
  • Chia sẻ được ý định sử dụng thước tròn phần trăm là dùng để biểu diễn dữ liệu trên biểu đồ hình tròn.
  • Tạo được sản phẩm từ vật liệu bìa cứng phẳng.
  • Nêu được tên một số công cụ (kéo, thước, bút,…) vật liệu (giấy bìa cứng, keo,…) để thực hành làm thước tròn phần trăm.
  • Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về thước tròn phần trăm.
  • Chăm chỉ, chú ý khi quan sát (biểu đồ), thực hiện sản phẩm.
  • Có trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công trong nhóm, tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý hoặc điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Các phiếu học tập và phiếu đánh giá (phụ lục).

- Học liệu số mô phỏng biểu đồ hình quạt tròn :

Nguồn https://www.geogebra.org/m/r3jwadwf

Giáo viên di chuyển điểm trên thanh trượt (Cam, chuối, táo) để thay đổi giá trị phần trăm của từng loại. Phần học liệu số được thiết kế sẵn sẽ mô phỏng biểu đồ hình quạt tròn tương ứng với bộ số liệu.

1. Chuẩn bị của học sinh

- Mỗi nhóm (4-5 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:

STT Dụng cụ/vật liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Bìa cứng hình chữ nhật kích thước 2cm x 10cm có 3-6 màu khác nhau 6 tờ/nhóm
2 Một phần tư hình tròn được chia thành 25 phần bằng nhau (bán kính 7cm) in sẵn trên giấy 2 tấm/nhóm
3 Kéo 15 - 20 cm 1 chiếc/nhóm
4 Bút chì có kèm tẩy 1 cây/nhóm
5 Bút lông kim dầu 2 đầu, màu xanh/ đen 1 cây/nhóm
6 Compa 1 chiếc/nhóm
7 Ghim cánh phượng 1,5 - 2 cm 2 chiếc/nhóm
8 Bìa foam, hình vuông 22cm x 22cm, dày 2 mm 1 tấm/nhóm
9 Đinh ghim mũ nhựa (để đục lỗ tấm bìa foam) 1 chiếc/nhóm
10 Bìa nhựa PVC/giấy ép cứng kích thước 30cm x 30cm (có thể viết bằng bút viết bảng) 1 tờ/nhóm
11 Bút lông viết bảng 1 bút/nhóm
12 Cặp băng dính gai 5 cặp/nhóm

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh quan sát biểu đồ hình quạt tròn sau đây về tỉ lệ 4 loại trái cây bán được và làm bài thực hành 1 trong phiếu học tập số 1 (cách dùng màu sắc khác nhau cho mỗi hình quạt, ý nghĩa của con số tỉ lệ phần trăm, vị trí bắt đầu đọc trên biểu đồ).

Sau đó, học sinh tiếp tục thực hành sắp xếp số liệu trên vào biểu đồ hình quạt tròn trong học liệu số (giáo viên mở file cho học sinh thực hành).

Link https://www.geogebra.org/m/r3jwadwf

- Học sinh được giáo viên chốt các kiến thức cơ bản về biểu đồ hình quạt tròn như sau:

    + Trên biểu đồ hình quạt tròn, tỉ lệ phần trăm ứng với một hình quạt tròn cho biết rằng nếu chia hình tròn thành 100 phần bằng nhau thì mỗi hình quạt biểu thị a% sẽ tương ứng với a phần bằng nhau nói trên.

    + Mỗi góc tư của hình tròn cần chia thành 25 phần bằng nhau thì cả hình tròn sẽ ứng với 100 phần bằng nhau.

    + Hình quạt đầu tiên ứng với vị trí kim đồng hồ chỉ 12 giờ và vẽ theo chiều kim đồng hồ.

- Giáo viên dẫn đắt để học sinh thấy được rằng việc vẽ biểu đồ hình quạt tròn là khó khăn đối với học sinh Lớp Năm. Do vậy, cần có một hình tròn đã được chia thành 100 phần bằng nhau để mô phỏng cho biểu đồ hình quạt tròn.

- Từ đây, giáo viên đặt vấn đề là cần làm làm thế nào để tạo ra được thước tròn phần trăm vừa để biểu diễn số liệu thống kê vừa để đọc số liệu.

- Học sinh tiếp nhận nhiệm vụ mới cho hoạt động trải nghiệm là cùng thiết kế và chế tạo dụng cụ học tập có tên gọi thước tròn phần trăm.

b) Giao nhiệm vụ

- Học sinh ghi nhận nhiệm vụ thiết kế thước tròn phần trăm với các yêu cầu cụ thể vào vở:

    + Thước là hình tròn có bán kính bằng 10cm.

    + Có các vạch chia biểu thị từ 0%, 1%,… đến 99%.

    + Có các kim xoay được quanh tâm thước để chia thước tròn thành tối đa 4 hình quạt.

    + Thước sử dụng được nhiều lần, dễ dùng và đẹp.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Học sinh được chia thành các nhóm 4-5 học sinh/nhóm.

- Các nhóm học sinh khám phá bộ vật liệu, trong đó có sẵn ¼ hình tròn đã có vạch chia thành 25 phần bằng nhau.

- Học sinh lắng nghe giáo viên giới thiệu vật liệu rồi tiến hành thảo luận nhóm, ghi kết quả thảo luận vào Phiếu học tập 2 dựa trên các câu hỏi định hướng như sau:

    + Làm thế nào để đánh dấu các vạch chia một hình tròn thành 100 phần đều nhau?

    + Làm thế nào để các thanh mũi tên phân cách hình quạt tròn có thể quay được quanh tâm hình tròn?

    + Làm thế nào để biểu thị dữ liệu trên thước tròn phần trăm?

- Sau khi các nhóm hoàn thành Phiếu học tập 2, đại diện 2 nhóm học sinh được mời ngẫu nhiên để chia sẻ về kết quả làm việc của nhóm mình.

- Các nhóm còn lại lắng nghe và có thể đặt thêm câu hỏi cho nhóm bạn (nếu có).

- Giáo viên có thể đặt thêm một số câu hỏi gợi ý nếu học sinh chưa biết cách làm hoặc giải đáp thắc mắc.

- Học sinh tiếp nhận nhiệm vụ thực hành với yêu cầu:

    + Dựa vào bản vẽ minh họa sản phẩm thước tròn phần trăm ở Phiếu học tập 2, các thành viên trong nhóm phân chia nhiệm vụ và thực hành làm thước tròn phần trăm.

    + Nếu có điều chỉnh so với bản vẽ ban đầu thì ghi chú lại và giải thích cho sự điều chỉnh đó.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Nhóm trưởng phân chia nhiệm vụ cho các thành viên:

+ vẽ hình tròn (lên bìa foam)
+ cắt hình tròn
+ dùng mẫu góc phần tư để chia vạch cách nhau 1%
+ cắt mũi tên làm vạch phân cách các hình quạt
+ đục lỗ và gắn các mũi tên này vào tâm thước tròn phần trăm bằng ghim cánh phượng
+ dán thước tròn phần trăm lên bìa nhựa cứng để ghi chú các tỉ lệ phần trăm ứng với các dữ liệu.

- Học sinh làm sản phẩm theo nhóm, giáo viên quan sát, hỗ trợ, ghi nhận tinh thần làm việc của nhóm.

- Học sinh thử nghiệm dùng thước tròn phần trăm để sắp xếp số liệu thống kê theo yêu cầu của giáo viên.

- Học sinh tự đánh giá sản phẩm của nhóm, sử dụng phiếu đánh giá giáo viên cung cấp.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Các nhóm lần lượt cử đại diện lên giới thiệu sản phẩm của nhóm mình, nói cách sử dụng, biểu diễn sử dụng sản phẩm để sắp xếp số liệu thống kê vào biểu đồ hình quạt tròn.

- Một đại diện nhóm khác được mời để đọc dữ liệu của nhóm báo cáo.

- Học sinh quan sát sản phẩm của nhóm bạn rồi nêu nhận xét, bình chọn nhóm có thước tròn phần trăm đẹp, dễ sử dụng nhất.

- Giáo viên nhận xét, tuyên dương và tổng kết hoạt động trải nghiệm.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

1. Chú thích các bộ phận của hạt gồm: vỏ hạt, phôi và chất dinh dưỡng dự trữ vào hình bên dưới.

a) Quan sát biểu đồ hình quạt tròn sau về tỉ lệ 4 loại trái cây bán được trong ngày tại một tiệm bán trái cây. Giải thích các số phần trăm (chú ý màu sắc), vị trí hình quạt đầu tiên, cách vẽ các hình quạt tiếp theo.

b) Sắp xếp số liệu này vào biểu đồ hình quạt tròn được mô phỏng trên học liệu số. Hãy ghi nhớ thao tác di chuyển trên thanh trượt và đối chiếu với giá trị tỉ lệ phần trăm.

2. Thực hành 2: Khám phá biểu đồ hình tròn

- Hãy vẽ một hình tròn tâm O, có bán kính 5cm.

- Vẽ một đường kính AB.

- Đo góc đỉnh O cạnh OA, OB và ghi lại kết quả.

- Vẽ đường kính CD vuông góc với đường kính AB.

- Nếu hình tròn chia từ tâm thành 100 phần bằng nhau thì một phần tư hình tròn cần được chia thành bao nhiêu phần bằng nhau?

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

1. Thực hành (theo nhóm)

- Thảo luận và phác thảo bản vẽ thước tròn phần trăm

Thành viên Nhiệm vụ
Bạn …………………………………………………………………………………………………………………………………………………… sẽ
Bạn …………………………………………………………………………………………………………………………………………………… sẽ
Bạn …………………………………………………………………………………………………………………………………………………… sẽ
Bạn …………………………………………………………………………………………………………………………………………………… sẽ

2. Phiếu đánh giá

PHIẾU ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM THƯỚC TRÒN PHẦN TRĂM

Đánh dấu [x] vào mức độ đạt được của sản phẩm ở mỗi tiêu chí.

Tiêu chí Không
1 Thước là hình tròn có bán kính bằng 10cm.
2 Có các vạch chia biểu thị từ 0%, 1%,… đến 99%.
3 Có các kim xoay được quanh tâm thước để chia thước tròn thành tối đa 4 hình quạt.
4 Thước sử dụng được nhiều lần, dễ dùng và đẹp.

3. Sản phẩm minh họa