Chủ đề STEM: Thùng rác thân thiện

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2-3 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh đã học về giữ vệ sinh xung quanh nhà trong môn Tự nhiên xã hội và một số hình khối đơn giản (khối lập phương và khối hộp chữ nhật) trong môn Toán.

Mô tả chủ đề
  • Chủ đề tạo điều kiện cho học sinh được thực hành mô hình thùng rác thân thiện có dạng hình khối đơn giản như hình khối lập phương, hình khối hộp chữ nhật nhằm giữ vệ sinh xung quanh nhà, giải thích được tại sao cần giữ vệ sinh xung quanh nhà và nâng cao ý thức giữ vệ sinh trường học và khu vực xung quanh trường.
Nội dung tích hợp trong bài học
Môn học tích hợp

Toán

  • Nhận biết được một số yếu tố cơ bản như đỉnh, cạnh, mặt của khối lập phương, khối hộp chữ nhật.
  • Giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gấp, cắt, ghép, xếp, vẽ và tạo hình trang trí gắn với hình phẳng và hình khối đã học.

Tự nhiên và xã hội

  • Kể tên và làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh xung quanh nhà.
  • Giải thích được một cách đơn giản tại sao cần phải giữ vệ sinh xung quanh nhà.
  • Có ý thức giữ gìn và làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh trường học và khu vực xung quanh trường.

Mĩ thuật

  • Hiểu được một số thao tác, công đoạn cơ bản để làm nên sản phẩm.
  • Thể hiện được chi tiết hoặc hình ảnh trọng tâm ở sản phẩm.
  • Trưng bày, giới thiệu được sản phẩm, chia sẻ mục đích sử dụng.

Hoạt động trải nghiệm

  • Có thói quen giữ gìn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.
  • Tham gia tích cực vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi trong phòng, chống ô nhiễm môi trường.

I. Mục tiêu

- Liệt kê được các loại rác thải: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế. Phân loại được các loại rác thải.

- Hiểu được một số thao tác, công đoạn cơ bản và làm được thùng rác thân thiện để phân loại rác từ các nguyên vật liệu đơn giản.

- Chế tạo được thùng rác có dạng hình khối đơn giản (hình trụ, khối lập phương, khối chữ nhật).

- Thể hiện được chi tiết hoặc hình ảnh trọng tâm ở sản phẩm thùng rác thân thiện. Trưng bày, giới thiệu được sản phẩm thùng rác thân thiện, chia sẻ mục đích sử dụng.

- Kể tên và làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh xung quanh nhà. Giải thích được một cách đơn giản tại sao cần phải giữ vệ sinh xung quanh nhà. Làm được một số việc phù hợp để giữ vệ sinh trường học và khu vực xung quanh trường.

- Hợp tác được với các thành viên trong nhóm trong việc thiết kế và thực hiện kế hoạch. Có ý thức giữ gìn môi trường sống và môi trường học tập gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.

- Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến cá nhân để hoàn thiện sản phẩm của nhóm mình và các nhóm khác.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Các phiếu học tập và phiếu đánh giá.

- Các video hướng dẫn học sinh tìm hiểu về cách phân loại rác và chế tạo thùng rác.

- Nguyên vật liệu giáo viên chuẩn bị cho 1 nhóm gồm 3-4 học sinh:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Bộ thẻ flashcard hình ảnh rác thải (ép nhựa để tái sử dụng) 1 bộ Link tham khảo về hình ảnh rác thải: https://i.pinimg.com/564x/09/2a/6a/092a6a50293ed5dc95e8a00d144022a9.jpg
2 Giấy dán nhãn 3 cái

2. Chuẩn bị của học sinh

- Giao cho mỗi nhóm (3-4 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Kéo 1 cái
2 Bút chì 1 cái
3 Thước kẻ 1 cái
4 Hồ dán 1 cái
5 Băng keo trong 1 cái
6 Hộp màu lông/ màu sáp 1 hộp
7 Sticker trang trí 1 set
8 Giấy cứng hoặc các bìa carton, đảm bảo cắt được những hình phẳng có kích thước như mẫu bên; hoặc các vật liệu khác theo bản thiết kế của học sinh

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động Trò chơi: Đoàn tàu rác

- Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm. Giáo viên vẽ trên bảng hình ảnh của các ô đại diện cho các toa tàu và viết to 8 chữ cái. Ví dụ: A, B, C, H, G, L, P, V.

- Giáo viên giới thiệu luật chơi:

  • + Các đội có các lượt chơi xen kẽ. Trong vòng 15s, khi đến lượt chơi của đội nào thì đội đó tìm tên của một loại rác bắt đầu bằng chữ cái trên toa tàu, đồng thời cử một học sinh đại diện lên bảng để ghi tên và vẽ loại rác đó. Thành viên nào nghĩ ra đáp án thì đọc to tên loại rác cho đồng đội của mình viết và vẽ lên toa tàu. Mỗi đáp án đúng được 10 điểm.
  • + Kết thúc trò chơi, đội nào có tổng số điểm cao hơn thì chiến thắng. Hình minh họa của Đoàn tàu rác:

- Giáo viên đặt một số câu hỏi thảo luận cùng học sinh:

  • (1) Rác/rác thải là gì?
  • (2) Rác thải được phân làm những loại nào?
  • (3) Em thường làm gì với rác thải?
  • (4) Vì sao chúng ta phải bỏ rác vào thùng hoặc nơi quy định?

Gợi ý trả lời:

  • (1) Rác, rác thải hay còn gọi là chất thải được hiểu đơn giản là những vật, những chất mà con người không sử dụng nữa và thải ra môi trường xung quanh như: Thức ăn thừa, bao bì ni lông, phế liệu, giấy, đồ đạc, nội thất không sử dụng nữa, ….)
  • (2) Rác thải được phân làm 3 loại: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế
  • (3) Bỏ rác vào thùng rác, sử dụng làm đồ tái chế…
  • (4) Để giữ gìn môi trường sạch sẽ, …

- Giáo viên dẫn dắt vào chủ đề là tìm hiểu về việc phân loại rác bao gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế và ý nghĩa của việc phân loại rác thông qua nhiệm vụ làm mô hình mô phỏng thùng rác thân thiện để phân loại rác từ những nguyên vật liệu dễ kiếm.

b) Nhận nhiệm vụ

- Giáo viên đặt vấn đề, giao nhiệm vụ: Học sinh sẽ làm việc nhóm, sử dụng các nguyên vật liệu thông dụng để làm mô hình mô phỏng “Thùng rác thân thiện” các yêu cầu cụ thể như sau:

Yêu cầu sản phẩm:

  • (1) Mô hình thùng rác được làm từ nguyên vật liệu thông dụng. không sử dụng nữa, ….)
  • (2) Mô hình thùng rác có dạng hình khối đơn giản (hình trụ, khối lập phương, khối chữ nhật).
  • (3) Mô hình có 03 ngăn để đựng rác.
  • (4) Mô hình có gắn nhãn: thùng rác vô cơ, thùng rác hữu cơ và thùng rác tái chế ở hộc rác tương ứng và có thể sử dụng để phân loại một số rác nhỏ
  • (5) Sản phẩm được trang trí phù hợp.

- Giáo viên giới thiệu về quy trình lập kế hoạch và làm sản phẩm.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Giáo viên cho học sinh xem một video về cách phân loại rác (học liệu số 1), sau đó cho một số ví dụ về rác thải và yêu cầu học sinh phân loại rác (hoặc tổ chức trò chơi tương tác phân loại rác trên video).

- Sau khi kết thúc hoạt động xem và tương tác với video, giáo viên yêu cầu học sinh hoàn thành Nhiệm vụ 1 và 2 về khái niệm rác hữu cơ, vô cơ, tái chế và phân loại rác trong Phiếu học tập.

- Giáo viên trình chiếu đáp án và yêu cầu học sinh chấm chéo.

- Giáo viên tổng kết nội dung về khái niệm rác hữu cơ, vô cơ, tái chế và phân loại rác và lưu ý đối với học sinh: Trong trường hợp không có thùng rác phân loại ở trường hay ở nhà, học sinh có thể để rác vào thùng rác thường. Tuy nhiên, cần có hiểu biết về phân loại rác để có thể bỏ rác đúng ở những nơi có thùng rác phân loại. Giáo viên động viên học sinh thực hành và vận động các thành viên trong gia đình thực hiện việc phân loại rác này.

- Giáo viên tổ chức cho học sinh làm hoạt động nhóm gồm 3 thành viên. Giáo viên yêu cầu học sinh ghi tên nhóm và nhóm trưởng vào Phiếu hoạt động nhóm.

- Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh của các mẫu thùng rác và yêu cầu học sinh sẽ về nhà xem link video cách làm một số thùng rác và lựa chọn một mẫu yêu thích và nêu lí do.

Một số mẫu thùng rác:

Mẫu 1: https://www.youtube.com/watch?v=z9satTnFElk&ab_channel=DIYCraftsTV

Mẫu 2: https://www.youtube.com/watch?v=K-zOIPZ3RXk&t=1s&ab_channel=TitizCraft-EnG

Mẫu 3: https://www.youtube.com/watch?v=_pNeRIXZs2Y&ab_channel=CreativeCrafts

Mẫu 4: https://www.youtube.com/watch?v=We2Q50gFyqk&ab_channel=NVKDIY

- Tại lớp, giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận và thống nhất chọn 01 mẫu mô hình chung cho nhóm theo các bước:

  • +Bước 1: Mỗi học sinh sẽ lần lượt trình bày mẫu thùng rác và lý do mình chọn mẫu đó. Sau khi tất cả các thành viên đã trình bày, cả nhóm sẽ cùng thống nhất chọn 1 mẫu để cùng thực hiện.
  • +Bước 2:Học sinh vẽ mẫu thùng rác trên Phiếu hoạt động nhóm.
  • +Bước 3: Học sinh liệt kê các nguyên vật liệu và các bước thực hiện sản phẩm trong Phiếu hoạt động nhóm.
  • +Bước 4: Học sinh thảo luận và phân công nhiệm vụ trong Phiếu hoạt động nhóm. (5) Sản phẩm được trang trí phù hợp.
  • +Bước 5: Giáo viên duyệt bản vẽ mẫu và các nội dung trong Phiếu hoạt động nhóm. Nhóm học sinh điều chỉnh lại bản vẽ hoặc bảng phân công nếu cần.

- Giáo viên di chuyển đến các nhóm trong suốt quá trình học sinh làm việc nhóm để hỗ trợ khi cần.

- Giáo viên nhắc lại yêu cầu học sinh chuẩn bị nguyên vật liệu để thực hiện sản phẩm ở hoạt động tiếp theo.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Học sinh tiến hành thực hiện theo kế hoạch đã thống nhất trong Phiếu hoạt động nhóm.

- Giáo viên di chuyển đến các nhóm trong suốt quá trình học sinh làm việc nhóm để hỗ trợ khi cần.

Lưu ý: Giáo viên chuẩn bị sẵn link video cách làm của các mẫu thùng rác để chiếu lại cho học sinh trong trường hợp học sinh quên bước làm.

- Học sinh đối chiếu với các tiêu chí của sản phẩm để tự đánh giá sản phẩm của mình, điều chỉnh nếu cần thiết.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm thực hiện các hoạt động sau:

  • + Thực hành phân loại rác: Mỗi nhóm được nhận 1 bộ hình ảnh các loại rác, HS thảo luận nhóm và phân loại các rác này vào thùng tương ứng.
  • Link tham khảo bộ hình ảnh các loại rác: https://bit.ly/3qlDO7j
  • + Luyện tập thuyết trình nhóm: sử dụng các câu hỏi gợi ý trong Phiếu hoạt động nhóm.

Yêu cầu: Các nhóm phân công bài thuyết trình sao cho mỗi thành viên trong nhóm đều được trình bày một phần về sản phẩm.

Gợi ý nội dung trình bày:

  • (1) Giới thiệu tên nhóm và các thành viên.
  • (2) Giới thiệu về sản phẩm: Đây là sản phẩm gì? Sản phẩm có hình dạng gì? Em đã làm sản phẩm này như thế nào? Em sử dụng sản phẩm này để làm gì? Em đã tiến hành phân loại rác như thế nào?
  • (3) Em thấy thích nhất điểm nào của sản phẩm này?
  • (4) Em có muốn cải thiện điều gì để sản phẩm này tốt hơn nữa không?

- Giáo viên mời một số nhóm học sinh mang sản phẩm lên trước lớp và trình bày về sản phẩm của nhóm mình. Giáo viên và học sinh đặt câu hỏi, nhận xét. Giáo viên gợi ý thêm về việc sử dụng sản phẩm thùng rác ở nhà: Có thể đặt thùng rác nhỏ này ở bàn học để đựng các loại rác nhỏ. Đây là một cách để giữ khu vực bàn học của em luôn sạch sẽ.

- Giáo viên tổng kết lại nội dung bài học thông qua một số câu hỏi:

  • (1) Việc phân loại rác có quan trọng không? Vì sao?
  • (2) Hãy quan sát xung quanh lớp học. Hiện tại đang có những loại rác nào? Những rác này thuộc loại rác gì?
  • (3) Em sẽ làm gì để giữ gìn vệ sinh lớp học và môi trường sống của mình?

- Giáo viên cho học sinh hoàn thành Phiếu đánh giá cá nhân trong 5 phút.

- Giáo viên nhận xét và tổng kết buổi học.

IV. Phụ lục

1. Tài liệu tham khảo về cách phân loại rác:

a) Rác hữu cơ:

Rác hữu cơ hay chất thải hữu cơ đến từ những sinh vật sống và có thể dễ dàng phân hủy. Các loại rác thải hữu có thể kể đến như: Thức ăn thừa, phần bỏ đi của rau củ, thực phẩm không dùng đến, lá cây được cắt tỉa, rơm rạ sau khi thu hoạch, …

b) Rác vô cơ:

Rác vô cơ hay chất thải vô cơ đến từ những thứ mà con người đã tạo ra và mất một thời gian rất dài để phân huỷ. Ví dụ như: Đồ sành, sứ, túi nilon, gỗ vụn, …

c) Rác tái chế

Rác thải tái chế là những loại rác thải mà sau khi con người thải ra ngoài vẫn có thể tái sử dụng lại.

2. Phiếu học tập

Nhiệm vụ 1. Điền vào chỗ trống

- Rác/rác thải được phân làm ba loại: ..................................................., ....................................................... và .........................................................

Nối các loại rác dưới đây với thùng rác chứa chúng tương ứng

Nhiệm vụ 3. Phiếu hoạt động nhóm

Nhiệm vụ 4. Phân công nhiệm vụ

STT Nhiệm vụ/Công việc Người phụ trách

Nhiệm vụ 5. Chuẩn bị bài thuyết trình

Nội dung gợi ý:

  • 1.Giới thiệu tên của nhóm và các thành viên.
  • 2. Giới thiệu về sản phẩm: Đây là sản phẩm gì? Sản phẩm có hình dạng gì? Em đã làm sản phẩm này như thế nào? Em sử dụng sản phẩm này để làm gì? Em đã tiến hành phân loại rác như thế nào?
  • 3. Em thấy thích nhất điểm nào của sản phẩm này?
  • 4. Em có muốn cải thiện điều gì để sản phẩm này tốt hơn nữa không?

4. Phiếu đánh giá

a. Phiếu đánh giá sản phẩm “Thùng rác thân thiện”

b. Phiếu tự đánh giá cá nhân sau khi học chủ đề “Thùng rác thân thiện”

5. Sản phẩm minh họa