Chủ đề STEM: Thế giới màu sắc
Môn học chủ đạo: Tự nhiên và Xã hội

Thời lượng: 2 tiết

Nội dung dung tích hợp trong chủ đề
Môn học chủ đạo
Môn học tích hợp

Tự nhiên và xã hội

  • Nêu được tên, chức năng của thị giác.
  • Giải thích được ở mức độ đơn giản tại sao cần phải bảo vệ mắt.

Mỹ thuật

  • Nêu được tên một số màu; bước đầu mô tả, chia sẻ được cảm nhận về hình ảnh chính ở sản phẩm.
  • Trưng bày và nêu được tên sản phẩm, chia sẻ cảm nhận về sản phẩm của cá nhân, của bạn bè.
  • Biết cách sử dụng, bảo quản một số vật liệu, chất liệu thông dụng như màu vẽ, giấy màu,… trong thực hành, sáng tạo.

Toán

  • Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10.
I. Mục tiêu
1. Năng lực
  • Nêu được tên, chức năng của thị giác; Giải thích được ở mức độ đơn giản tại sao cần phải bảo vệ mắt.
  • Vận dụng được kết quả pha màu mới từ màu cơ bản để làm mắt kiếng có màu khác với màu giấy kiếng.
  • Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra mắt kính đổi màu và có dùng các chấm, nét, màu sắc để trang trí sản phẩm.
  • Biết cách sử dụng kéo, hồ dán,… để làm mắt kính đổi màu và giữ an toàn trong thực hành, sáng tạo cho mình và cho bạn cùng nhóm.
  • Chia sẻ được ý định sử dụng mắt kính đổi màu là để quan sát các vật xung quanh với màu khác với màu thật.
  • Tạo được sản phẩm mắt kính đổi màu từ vật liệu bìa cứng, giấy kiếng màu.
  • Nêu được tên các màu cơ bản là đỏ, vàng và xanh dương. Bước đầu mô tả, chia sẻ được cảm nhận về hình ảnh chính ở sản phẩm mắt kính đổi màu.
  • Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10.
  • Biết phân công nhiệm vụ nhóm; hợp tác được với các thành viên trong nhóm khi thực hiện sản phẩm; trình bày được sản phẩm học tập bằng lời.
2. Phẩm chất
  • Chăm chỉ: chú ý khi quan sát, thực hành pha màu và khi thực hiện sản phẩm.
  • Trách nhiệm: hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên, theo phân công trong nhóm và đúng thời gian quy định; tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân; lắng nghe, góp ý hoặc điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm; có ý thức giữ gìn và bảo quản tốt dụng cụ.
II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Thẻ màu có đính nam châm lá ở mặt sau 1 bộ/lớp
2 Giấy bóng kính (như hình bên), gồm 6 màu: vàng, xanh dương, đỏ, cam, xanh lá, tím; kích thước 11 x 8 (cm) 2 bộ/nhóm
3 Phiếu học tập 1 1 phiếu/nhóm Phụ lục 1
4 Phiếu học tập 2 1 bộ/nhóm Phụ lục 2
5 Phiếu đánh giá 1 phiếu/học sinh Phụ lục 3

2. Chuẩn bị của học sinh

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Màu sáp, màu nước 1 bộ/nhóm
2 Băng keo hai mặt, hồ dán, kéo 1 bộ/nhóm
3 Vật dụng trang trí Tùy ý
III. Tiến trình dạy học

1. Hoạt động 1: Xác định nhiệm vụ/vấn đề

⮚ Mục tiêu:

  • Nhận diện và gọi tên được ba màu cơ bản (vàng, đỏ, xanh dương).
  • Tạo được màu mới từ ba màu cơ bản và đọc được tên các màu mới này.
  • Nêu được tên, chức năng của thị giác và cách mắt nhìn thấy được màu sắc.
  • Ghi nhận được nhiệm vụ làm một mắt kính đổi màu.

⮚ Nội dung:

1.1. Khám phá ba màu cơ bản và cách pha màu

  • Giáo viên cho học sinh nêu tên một số màu mà học sinh đã biết. Với mỗi màu mà học sinh nêu tên, giáo viên gắn thẻ màu đỏ (có đính nam châm) lên bảng lớp.
  • Giáo viên đặt vấn đề: Khi đi nhà sách, bạn Hoàng xin mẹ cho mua một số bút màu để tô tranh. Mẹ đồng ý với điều kiện là Hoàng chỉ được mua 3 bút có màu khác nhau thôi. Hoàng muốn tô một bức tranh cần có các màu: đỏ, xanh lá, xanh dương, vàng, cam, tím. Các em sẽ khuyên bạn Hoàng nên chọn 3 bút màu nào thì sẽ tô được cả sáu màu này?
  • Giáo viên dẫn dắt tiếp: Các em sẽ thực hành với các màu sắc theo Phiếu học tập để tìm câu trả lời nhé .
  • Giáo viên chia lớp thành các nhóm 4-6 học sinh và thực hành pha màu (màu nước/bút sáp/bút lông,…) và gọi tên màu được tạo thành trong từng trường hợp ở phiếu học tập 1 (xem phụ lục 1).
    Hình 3.25. Pha màu với bút sáp
  • Sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên hỏi số màu mới được tạo thành và tổng số màu có được, chốt kiến thức về bảng pha màu và giới thiệu 3 màu đỏ, xanh dương, vàng được gọi là ba màu cơ bản.
  • Giáo viên gọi một học sinh và đề nghị cho bạn Hoàng lời khuyên là nên mua 3 bút màu nào. Giáo viên nói thêm: “Thế giới màu sắc rất thú vị. Bằng cách pha trộn ba màu cơ bản (vàng, đỏ, xanh dương), chúng ta thu được những màu khác nhau” .

1.2. Khám phá tên gọi và chức năng của thị giác

  • Giáo viên đặt câu hỏi gợi dẫn:
    • Chúng ta biết được thế giới xung quanh có những gì và biết được nhiều màu sắc là nhờ bộ phận nào của cơ thể? (mắt)
    • Hãy kể một vài từ để thể hiện chức năng của bộ phận này? (nhìn, thấy, quan sát, ngó,…)
  • Giáo viên giới thiệu: “Đôi mắt là một trong năm giác quan của con người, còn gọi là thị giác, giúp ta nhìn thấy mọi vật. Nhờ có đôi mắt, chúng ta vừa thấy được hình dạng lẫn màu sắc của vạn vật. Vậy mắt tiếp nhận thông tin về màu sắc như thế nào?” .
  • Giáo viên cho học sinh xem video “Đôi mắt và sự thu nhận màu sắc” để tìm hiểu về cách mắt thu nhận được màu sắc, sau đó cho học sinh thảo luận và trả lời câu hỏi trên.
  • Giáo viên kết luận: Khi có ánh sáng từ một vật đến mắt ta, mắt ta sẽ thu nhận ánh sáng đó và bộ não sẽ giúp nhận biết đó là màu gì. Khi ở trong bóng tối, không có ánh sáng đi từ vật đến mắt ta, ta thấy mọi thứ có màu xám hoặc đen.
1.3. Xác định vấn đề, giao nhiệm vụ
  • Giáo viên cho học sinh xem một cặp mắt kính và giới thiệu cấu tạo, gồm các bộ phận: khung kính, càng gọng kính, tròng kính trắng (không độ).
    Hình 3.26. Các bộ phận của cặp mắt kính
  • Giáo viên nêu vấn đề: Thế giới xung quanh sẽ trở nên như thế nào nếu chúng ta nhìn qua những cặp mắt kính với tròng kính có nhiều màu sắc khác nhau?
  • Giáo viên giao nhiệm vụ: Các em sẽ làm một chiếc mắt kính đổi màu và chia sẻ điều em thấy khi nhìn qua cặp kính ấy. Cặp kính cần thỏa mãn yêu cầu sau:
    • (1) Khi đeo kính và nhìn một vật có màu thì người đeo kính sẽ thấy màu khác.
    • (2) Kính được trang trí đẹp, có logo hay tên nhóm.

2. Hoạt động 2: Thực hiện nhiệm vụ làm mắt kính đổi màu

  • Giáo viên cho học sinh xem video hướng dẫn làm mắt kính. Sau đó, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện sản phẩm theo các bước sau đây:
    • Bước 1: Tô màu phần khung kính và càng gọng kính được in trong phiếu (mẫu mắt kính ở phụ lục 2).
    • Bước 2: Cắt phần khung kính và càng gọng kính.
    • Bước 3: Cắt bỏ phần tròng kính ra khỏi khung kính (giáo viên hỗ trợ học sinh khoét một lỗ ban dầu bằng kéo hoặc dao rọc giấy).
    • Bước 4: Gấp phần rìa của khung kính theo đường đứt nét.
    • Bước 5: Dán càng gọng kính vào phần rìa của khung kính.
    • Bước 6: Trang trí khung kính (có thể gắn thêm các phụ kiện khác).
    • Bước 7: Gắn tròng kính bằng cách cắt giấy bóng kính với kích thước phù hợp và dán bằng băng keo hai mặt ở mặt sau khung kính (phần không tô màu và trang trí).
  • Hình 3.27. Cách làm mắt kính màu
3. Hoạt động 3: Báo cáo/Tổng kết, đánh giá

⮚ Mục tiêu:

  • Trưng bày, giới thiệu với tập thể lớp về sản phẩm mắt kính đổi màu của nhóm, biểu diễn sử dụng mắt kính đổi màu để quan sát một vật có màu, nêu được tên màu của vật đó trước khi và sau khi đeo kính, chia sẻ được cảm nhận về mắt kính đổi màu.

⮚ Nội dung:

  • Giáo viên tổ chức cho học sinh giới thiệu mắt kính đổi màu theo câu hỏi gợi ý:
    • Trang trí khung kính và gọng kính của mình như thế nào?
    • Phần tròng kính có màu gì?
    • Khi đeo kính vào, màu của vật được quan sát đã đổi từ màu gì sang màu gì?
  • Giáo viên cho bình chọn nhóm có mắt kính đổi màuu dễ sử dụng nhất, được trang trí đẹp nhất.
  • Giáo viên nhận xét tiết học, tuyên dương tinh thần làm việc của học sinh.
  • Giáo viên có thể mở rộng thêm: Trên thế giới, có một nhóm người mù màu, nghĩa là họ không thể nhìn thấy màu sắc như bình thường. Người ta có thể nhìn rõ mọi vật nhưng không phân biệt được một số màu sắc. Hiện nay, một số mắt kính “đặc biệt” được tạo ra để giúp người mù màu phân biệt được màu sắc.
    Hình 3.28. Đối chiếu màu sắc nhận được của người bình thường và người bị mù màu
  • Giáo viên cho học sinh tự đánh giá quá trình học tập dựa vào phiếu đánh giá
IV. Phụ lục
1. Phiếu học tập 1:

Khám phá thế giới màu sắc

2. Phiếu học tập 2 :

PHIẾU HỌC TẬP

A. Thực hành (theo nhóm)

Câu hỏi Trả lời
- Mắt kính gồm những bộ phận nào?
- Khi đeo kính, mắt sẽ nhìn qua bộ phận nào của kính?
- Dán các bộ phận bằng cách nào?
- Làm sao để gắn tròng kính màu vào mắt kính?
- Chọn màu nào cho tròng kính?

B. Phân công

Thành viên Nhiệm vụ
Bạn .................................................. sẽ cắt ..................................................
Bạn .................................................. sẽ cắt ..................................................
Bạn .................................................. sẽ cắt ..................................................
Bạn .................................................. sẽ cắt ..................................................
Bạn .................................................. sẽ cắt và dán tròng kính.

2. Phiếu “Mắt kính đổi màu”

3. Phiếu đánh giá

4. Sản phẩm minh họa

Hình 3.29. Sản phẩm minh họa Mắt kính đổi màu