Chủ đề STEM: SỔ TAY SIÊU ĐẦU BẾP NHÍ
Môn học chủ đạo: Khoa học
Thời lượng 3 tiết
Thời điểm tổ chức
Trong chủ đề Con người và sức khỏe (môn Khoa học) mạch nội dung Dinh dưỡng ở người.
Mô tả bài học
- Nội dung môn Khoa học, chủ đề Con người và sức khỏe, mạch nội dung Dinh
dưỡng ở người có yêu cầu cần đạt liên quan đến việc ăn uống cân bằng,
lành
mạnh như sau:
- Trình bày được sự cần thiết phải ăn phối hợp nhiều loại thức ăn, ăn nhiều rau, hoa quả và uống đủ nước mỗi ngày.
- Nêu được ở mức độ đơn giản về chế độ ăn uống cân bằng.
- Nhận xét được bữa ăn có cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng của trẻ em và đối chiếu với thực tế bữa ăn trong ngày ở nhà hoặc ở trường. Để đạt được yêu cầu này, cũng như đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong bài học STEM “Sổ tay siêu đầu bếp nhí”, học sinh sẽ thực hiện tìm hiểu kiến thức về chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và lên danh mục thực đơn đi chợ phù hợp cho 1 số ngày.
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học
Khoa học
- Trình bày được sự cần thiết phải ăn phối hợp nhiều loại thức ăn, ăn nhiều rau, hoa quả và uống đủ nước mỗi ngày.
- Nêu được ở mức độ đơn giản về chế độ ăn uống cân bằng.
- Nhận xét được bữa ăn có cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng của trẻ em và đối chiếu với thực tế bữa ăn trong ngày ở nhà hoặc ở trường.
Toán
- Tính được số trung bình cộng của hai hay nhiều số.
- Thực hiện được so sánh các số có nhiều chữ số.
- Thực hiện các phép tính cộng trừ, nhân chia các số có nhiều chữ số
- Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng, để thực hành cân với các đơn vị đo đã học.
Tin học
- Biết cách dùng máy tìm kiếm để tìm thông tin theo chủ đề (từ khoá).
- Thực hiện được việc tìm kiếm thông tin trên Internet có sự trợ giúp của giáo viên hoặc phụ huynh.
- Tạo bài trình chiếu cơ bản: đưa được ảnh vào một trang chiếu, lưu và đặt được tên cho tệp trình chiếu.
- Định dạng được kiểu, màu, kích thước chữ cho văn bản trên trang chiếu.
- Sử dụng được một vài hiệu ứng chuyển trang đơn giản.
I. Yêu cầu cần đạt
- Trình bày được sự cần thiết phải ăn phối hợp nhiều loại thức ăn, ăn nhiều rau, hoa quả và uống đủ nước mỗi ngày.
- Quan sát và so sánh được ở mức độ đơn giản hàm lượng của các loại thực phẩm trong tháp dinh dưỡng. Rút ra nhận xét về chế độ ăn uống cân bằng, gồm có: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ với hàm lượng phù hợp.
- Nhận xét và đánh giá được thực đơn đó có đảm bảo cân bằng, lành mạnh không dựa vào sơ đồ tháp dinh dưỡng.
- Thiết kế được thực đơn hằng ngày đảm bảo cân bằng, lành mạnh.
- Sử dụng được phần mềm trình chiếu Powerpoint để thiết kế thực đơn đi chợ có hình ảnh minh hoạ và nộp theo yêu cầu.
- Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến cá nhân để hoàn thiện sản phẩm của nhóm mình và các nhóm khác.
- Cẩn thận ghi chép các thông tin trong quá trình khám phá kiến thức.
II. Đồ dùng học tập
STT | Thiết bị/Học liệu | Số lượng |
Giáo viên | ||
1 | Bảng nhóm | 1 chiếc |
2 | Bút lông màu hoặc phấn màu (phù hợp với bảng): | 1-2 chiếc |
Học sinh | ||
1 | Giấy vẽ A4 | 1 tờ |
2 | Hộp bút màu (dạ, sáp, chì,…) | 1 hộp |
3 | Bút chì, tẩy, thước | 1 cái mỗi loại |
III. Các hoạt động dạy học chủ yếu
1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)
a. Khởi động:
- Giáo viên chia lớp thành các nhóm học sinh theo tổ hoặc thẻ màu (5-6 học sinh/ nhóm). Học sinh ngồi theo nhóm.
- Giáo viên chiếu câu hỏi ghép đôi yêu cầu các nhóm làm sau đó gọi 1,2 học sinh đại diện nêu kết quả:
- Câu hỏi: nối các tác dụng ở cột bên phải ứng với các loại chất dinh dưỡng ở cột bên trái cho phù hợp:
1. Chất bột đường | A. Cần cho hoạt động sống của cơ thể, năng cao sứ đề kháng, thiếu vitamin, cơ thể sẽ bị bệnh. | |
2. Chất béo | B. Tạo ra các tế bào mới làm cơ thể lớn lên, thay thế tế bào già bị hủy hoại. | |
3. Chất đạm | C. Giàu năng lượng, giúp cơ thể hấp thụ các vitamin như A, D, E, K. | |
4. Vitamin, khoáng chất | D. Cung cấp năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động và duy trì nhiệt độ của cơ thể. |
Đáp án: 1-D, 2-C, 3-B, 4-A
- Giáo viên cung cấp đáp án, chú ý: Các chất dinh dưỡng cần cung cấp cho cơ thể có thể chia thành 4 nhóm là chất bột đường; chất đạm; chất béo; vitamin, khoáng chất và chất xơ. Mỗi loại chất dinh dưỡng sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau với cơ thể.
- Giáo viên tổ chức cho học sinh thi “ai nhanh hơn” như sau: Trong vòng 3 phút, các nhóm liệt kê tên các loại thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng theo 4 loại trên. Nhóm nào kể đúng nhiều hơn sẽ chiến thắng.
- Khi hết thời gian, giáo viên chiếu đáp án, đảo bài cho các nhóm chấm chéo theo đáp án sau:
Chất bột đường | Chất đạm | Chất béo | Vitamin, khoáng chất, chất xơ |
Gạo, ngô, khoai, sắn, bánh quy, bánh mì, mì sợi, bún, mì lúa mạch, … | Đậu nành, đậu cô ve, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, trứng gà, trứng vịt, vịt, cá, tôm, cua, ốc, đậu phụ,… | Mỡ lợn, mỡ gà, lạc, vừng, dầu ăn, dừa,… | Cà chua, cam, chanh, ổi, rau cải, rau muống, thịt lợn, trứng, sữa, cà rốt,… |
- Giáo viên tổng kết, kiểm tra lại điểm. Tổng điểm của mỗi nhóm sẽ được ghi lại.
b. Giao nhiệm vụ
- Giáo viên đặt câu hỏi có rất nhiều loại thức ăn, vậy chúng ta có thể chỉ chọn 1 vài món ăn mà chúng ta thích hay cần phải phối hợp nhiều loại thức ăn và có thường xuyên phải thay đổi món hay không?
- Học sinh trả lời câu hỏi.
- Giáo viên chốt lại câu trả lời và đặt vấn đề giới thiệu bài học: Cơ thể cần nhiều loại chất dinh dưỡng khác nhau để phát triển khỏe mạnh. Mỗi loại thức ăn chỉ cung cấp được cho một số loại chất dinh dưỡng nhất định và có hàm lượng khác nhau. Vậy cần ăn như thế nào để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và cân đối? Một cuộc thi với tiêu đề “Siêu đầu bếp nhí với dinh dưỡng cân đối, lành mạnh”, các đội thi sẽ thiết kế thực đơn đi chợ cho các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, lành mạnh, ngon miệng cho 1 số ngày cho 1 người dưới dạng file powerpoint hoặc trên giấy. Yêu cầu với thực đơn đi chợ:
- (1) Liệt kê được các danh mục thực phẩm chi tiết cho 2 ngày cho 1 người và lượng mỗi loại.
- (2) Đảm bảo dinh dưỡng có đầy đủ 5 nhóm chất sau đây: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin, chất khoáng và chất xơ.
- (3) Đảm bảo đủ lượng các chất dinh dưỡng ở mức trung bình (tức là tổng lượng các thực phẩm cung cấp theo từng loại chất dinh dưỡng bằng lượng trung bình).
- (4) Chia hợp lí các thực phẩm cung cấp các nhóm chất dinh dưỡng cần vào các bữa ăn.
- (5) Đa dạng các loại thức ăn.
- (6) Hình ảnh mô tả/minh họa phù hợp, màu sắc nổi bật, sáng tạo.
- (7) Tên thực đơn ấn tượng, phù hợp với chủ đề dinh dưỡng cân đối, lành mạnh.
- Học sinh sẽ làm việc theo nhóm, tìm hiểu về tháp dinh dưỡng cân đối và lên thực đơn đi chợ cho 1 số ngày đảm bảo các yêu cầu trên.
2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)
a. Tìm hiểu tháp dinh dưỡng cân đối
- Giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm thực hiện nhiệm vụ theo phiếu học tập số 1, nội dung: Quan sát tháp dinh dưỡng cân đối thảo luận trả lời các các câu hỏi, ghi vào phiếu cá nhân:
Câu hỏi:
- (1) Chỉ ra các loại thức ăn nên ăn hạn chế, ăn ít, ăn có mức độ, ăn vừa phải, và ăn đủ?
- (2) Đổi lượng chất cung cấp trong tháp dinh dưỡng ra đơn vị gam và tính khối lượng trung bình mỗi loại theo tháp dinh dưỡng trong 1 ngày. Tính trung bình 1 tháng có 30 ngày. (Các trường hợp chia bị dư thì có thể làm tròn lên nếu dư nhiều hơn 1 nửa số chia hoặc xuống nếu dư ít hơn 1 nửa số chia).
- (3)Mỗi học sinh liệt kê thức ăn và số lượng trong 1 ngày và so sánh với lượng tính được ở (2) và rút ra kết luận thực đơn 1 ngày của mình đã cân đối chưa, cần điều chỉnh gì?
- Học sinh làm việc nhóm theo yêu cầu trong phiếu học tập số 1. Giáo viên quan sát hỗ trợ, hướng dẫn học sinh cân.
- Giáo viên mời đại diện 1 nhóm trình bày ý 1, 1 nhóm trình bày ý 2, 1 nhóm trình bày ý 3 và mời các nhóm khác nghe so với kết quả của nhóm mình, nêu nhận xét, bổ sung. Mời 2-3 học sinh chia sẻ về thực đơn của mình, so sánh với mức trung bình và kết luận, điều chỉnh của bản thân.
- Giáo viên tổng kết nội dung theo các câu hỏi thảo luận nhóm, nhận xét làm việc nhóm.
3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)
a. Đề xuất và lựa chọn giải pháp (15 phút + về nhà)
- Các nhóm học sinh tiến hành thảo luận để lên ý tưởng thiết kế thực đơn đi chợ trong một ngày vào và phân công hoàn thành sản phẩm theo hướng dẫn trong phiếu học tập số 2, trong vòng 15 phút, nội dung các yêu cầu:
- + Liệt kê danh sách các thực phẩm mà nhóm lựa chọn để dùng trong một ngày, chú ý đảm bảo các loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau
- + Tính lượng phù hợp cho từng loại thực phẩm.
- + Đặt tên thực đơn, giải thích ý nghĩa, tác dụng mỗi thực phẩm về việc cung cấp loại dinh dưỡng và lượng phù hợp.
- + Phân công chuẩn bị hình ảnh minh họa, hoàn thiện thực đơn.
- Các thành viên trong nhóm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm.
b. Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá (ở nhà)
- Học sinh thực hiện thiết kế thực đơn đi chợ theo kế hoạch.
- Tự đánh giá theo các tiêu chí đã đưa ra trong hoạt động mở đầu và điều chỉnh cho phù hợp.
c. Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh
- Trước buổi báo cáo sản phẩm, giáo viên hướng dẫn học sinh đăng hình chụp sản phẩm lên Padlet. Giáo viên, học sinh và phụ huynh bình chọn cho thực đơn đảm bảo cân bằng và lành mạnh bằng cách bình chọn sao (1 sao tương ứng với 1 điểm).
- Giáo viên hướng dẫn học sinh báo cáo sản phẩm của nhóm với các yêu cầu sau:
- + Giới thiệu tên các loại thực phẩm và lượng trong thực đơn đi chợ của nhóm. Giải thích được bữa ăn đảm bảo đủ các loại dinh dưỡng và lượng thực phẩm phù hợp.
- + Sản phẩm mĩ thuật mô phỏng thực đơn của nhóm.
- + Bài trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, thu hút người nghe.
- Học sinh đại diện cho 2 nhóm báo cáo về thực đơn đi chợ của nhóm trong vòng 3 phút. Các nhóm học sinh còn lại ghi chú nhanh thực đơn của nhóm bạn, sau đó trao đổi, nhận xét và góp ý lẫn nhau để đánh giá thực đơn đó đã đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh hay chưa dựa vào tháp dinh dưỡng và số lượng đã tính trung bình theo 1 ngày.
- Giáo viên đặt câu hỏi để làm rõ các nội dung sau đây:
- + Thực đơn đi chợ đã có đầy đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng theo tháp dinh dưỡng chưa?
- + Trái cây và nước uống đã phù hợp chưa?
- + Tổng lượng chất theo lượng trung bình 1 ngày có phù hợp không? Giải thích.
- Giáo viên nhận xét và góp ý cho các nhóm HS. Các nhóm học sinh ghi chú, điều chỉnh thực đơn và giải thích cho sự điều chỉnh đó (nếu có).
- Giáo viên tổng kết điểm của mỗi nhóm trong suốt quá trình thực hiện chủ đề. Nhóm nhiều điểm nhất là nhóm chiến thắng sẽ được tặng huy hiệu “Siêu đầu bếp nhí” cho mỗi thành viên trong nhóm. Giáo viên tổng hợp lại sản phẩm mĩ thuật của các nhóm và tạo thành 1 sổ tay siêu đầu bếp chung cho cả lớp.
d. Vận dụng trải nghiệm (ở nhà)
- Giáo viên yêu cầu học sinh liên hệ thực tiễn: Liệt kê thực đơn trong một ngày ở nhà hoặc ở trường của mình và các người thân trong gia đình và nhận xét thực đơn đó đã đảm bảo cân bằng và lành mạnh chưa, nếu chưa thì cần điều chỉnh như thế nào. (thực hiện với người bình thường, không trong chế độ ăn uống đặc biệt).
Tên món ăn, lượng | Nhận xét | Đề xuất bổ sung để đủ chất hơn |
Sáng: | ||
Trưa: | ||
Tối: |
IV. Phụ lục
1. Phiếu học tập
Nhiệm vụ: Quan sát tháp dinh dưỡng cân đối trong sách giáo khoa (hoặc giáo viên cung cấp) thảo luận trả lời các các câu hỏi sau, ghi vào phiếu cá nhân:
- (1) Chỉ ra các loại thức ăn nên ăn hạn chế, ăn ít, ăn có mức độ, ăn vừa phải, và ăn đủ?
- (2) Đổi lượng chất cung cấp trong tháp dinh dưỡng ra đơn vị gam và tính khối lượng trung bình mỗi loại theo tháp dinh dưỡng trong 1 ngày. Tính trung bình 1 tháng có 30 ngày. (Các trường hợp chia bị dư thì có thể làm tròn lên nếu dư nhiều hơn 1 nửa số chia hoặc xuống nếu dư ít hơn 1 nửa số chia).
- (3) Thực hiện cân thử từng loại thực phẩm theo khối lượng tính ở (2) theo từng loại trong tháp dinh dưỡng để quy đổi sang các đơn vị như thìa, bát hoặc thứ gì em hình dung ra được lượng nhiều ít.
- (4) Mỗi học sinh liệt kê thức ăn và số lượng trong 1 ngày và so sánh với lượng tính được ở (3) và rút ra kết luận thực đơn 1 ngày của mình đã cân đối chưa, cần điều chỉnh gì?
Ghi câu trả lời:
(1) Các loại thức ăn
Nên ăn hạn chế | Nên ăn ít | Nên ăn có mức độ | Nên ăn vừa phải | Nên ăn đủ |
(2), (3), (4)
Loại thức ăn | (2) Lượng trung bình 1 ngày (gam) | (3) Quy đổi sang thìa, bát,... | (4) Thức ăn 1 ngày thường của em | So sánh với lượng trung bình ở cột (3) |
Muối | ||||
Đường | ||||
Dầu mỡ, vừng lạc | ||||
Thịt | ||||
Cá, thủy sản | ||||
Đậu phụ | ||||
Quả chín | ||||
Rau |
Tự nhận xét, đề xuất điều chỉnh thực đơn của mình:...................................................
Nhóm học sinh thảo luận và đề xuất thực đơn theo ngày đảm bảo yêu cầu sản phẩm. Gợi ý nội dung thảo luận:
- • Liệt kê danh sách các món ăn mà nhóm lựa chọn để dùng trong một ngày
- • Tính lượng chất cho từng loại thức ăn.
- • Đặt tên thực đơn, giải thích ý nghĩa, tác dụng mỗi món ăn về việc cung cấp loại dinh dưỡng và lượng phù hợp.
- • Phân công chuẩn bị hình ảnh minh họa, hoàn thiện thực đơn
Trình bày theo bảng sau:
Bữa ăn | Tên món ăn | Chất bột đường, lượng | Chất béo | Chất đạm | Vitamin | Chất khoáng và chất xơ |
Bữa sáng | ||||||
Bữa trưa | ||||||
Bữa chiều | ||||||
Bữa tối |
2. Phiếu đánh giá
Đọc so sánh từng nội dung đánh giá với sản phẩm và xếp theo 3 mức độ: Rất tốt, tốt, chưa đạt
Nội dung | Số sao đạt được |
Liệt kê được các danh mục thực phẩm chi tiết cho 2 ngày cho 1 người và lượng mỗi loại. | |
Thực đơn cần đảm bảo dinh dưỡng có đầy đủ 5 nhóm chất sau đây: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin, chất khoáng và chất xơ. | |
Chia hợp lí các thực phẩm cung cấp các nhóm chất dinh dưỡng cần vào các bữa ăn. | |
Đa dạng các loại thức ăn. | |
Hình ảnh mô tả/minh họa phù hợp với món ăn thức, màu sắc nổi bật, sáng tạo. | |
Tên thực đơn ấn tượng, phù hợp với chủ để dinh dưỡng cân đối, lành mạnh. |