Chủ đề STEM: DỤNG CỤ GẤP ÁO

Môn học chủ đạo: Toán

Thời lượng 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy bài cuối cùng của chủ đề Hình phẳng và hình khối (môn Toán)

Mô tả bài học

  • Nội dung môn Toán có yêu cầu cần đạt liên quan đến lắp ghép, xếp các hình phẳng thành hình mới như sau:
    • Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
  • Để đạt được yêu cầu này, trong bài học STEM “Dụng cụ gấp áo”, học sinh sẽ làm một dụng cụ gấp áo bằng cách ghép 4 tấm bìa hình chữ nhật để tạo thành hình chữ nhật lớn bằng chiếc áo trong gia đình và có các phần gấp mở được.
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học
Môn học chủ đạo

Toán

  • Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật. (Nội dung Hình phẳng và hình khối - Thực hành lắp ghép, xếp hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đơn giản)
Môn học tích hợp

Mĩ thuật

  • Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm.
  • Sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.
  • Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.
  • Biết chia sẻ ý định sử dụng sản phẩm.
  • Biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn trong thực hành, sáng tạo.

Tự nhiên và Xã hội

  • Nêu được sự cần thiết phải sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp.
  • Làm được một số việc phù hợp để giữ nhà ở gọn gàng, ngăn nắp.

HĐ trải nghiệm

  • Biết tham gia sắp xếp nhà cửa gọn gàng.
  • Biết cách sử dụng một số dụng cụ gia đình một cách an toàn.

I. Yêu cầu cần đạt (của bài học)

  • Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật (ghép các hình chữ nhật thành dụng cụ gấp áo có hình chữ nhật).
  • Nêu được sự cần thiết và làm được một số việc phù hợp để sắp xếp đồ dùng cá nhân, nhà ở gọn gàng, ngăn nắp (cần xếp quần áo cho gọn);
  • Nêu được tên một số công cụ (kéo, thước, bút, băng dính…) vật liệu (giấy bìa cứng,…), sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra dụng cụ gấp áo (bìa cứng, băng dính, kéo, …) và biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn.
  • Hợp tác được với các thành viên trong nhóm khi thực hiện các nhiệm vụ học tập.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của Giáo viên

- Phiếu đánh giá (dành cho giáo viên).

- Một dụng cụ gấp áo do giáo viên làm sẵn.

- Hai chiếc áo thun ngắn tay cỡ lớn và nhỏ khác biệt.

- Nguyên vật liệu giáo viên cung cấp cho các nhóm học sinh:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh hoạ
1 Bìa các tông mỏng/bìa rôki
  • - 2 tấm 20cm x 50 cm
  • - 2 tấm 20cm x 25 cm
1 bộ/nhóm
2 Băng dính giấy bản nhỏ 1 cuộn/nhóm

2. Chuẩn bị của học sinh

- Giao cho mỗi nhóm (4 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh hoạ
1 Áo thun 4-5 áo/nhóm
2 Kéo 1 cái/nhóm

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động:

- Học sinh được giáo viên cho xem video mô tả bối cảnh thực tế: Mẹ bảo Mai thay quần áo đẹp để cùng mẹ đi ra phố. Mai mở ngăn tủ của mình để tìm áo đẹp nhưng quần áo trong ngăn tủ rất lộn xộn nên em tìm mãi mới thấy, để mẹ phải đợi lâu. Mai thầm ước: phải chi quần áo đã được xếp ngay ngắn, gọn gàng sẵn.

- Học sinh tiếp nhận vấn đề qua các câu hỏi của giáo viên:

  • + Theo em, vì sao mẹ phải chờ bạn Mai lâu như vậy?
  • + Quần áo trong ngăn tủ nên như thế nào thì dễ tìm và gọn gàng hơn?
  • + Em cần phải làm gì để có thể xếp quần áo vào ngăn tủ được ngay ngắn, gọn gàng?
  • + Em hãy cho biết cách gấp quần áo của em?

- Các nhóm học sinh được tự thực hành cách gấp áo bằng tay (ví dụ mỗi học sinh đã được yêu cầu đem theo một chiếc áo thun học thể dục).

  • + Mỗi nhóm cử đại diện đem các áo đã gấp xong xếp chồng lên nhau thành một xấp (trên bàn cho giáo viên chuẩn bị sẵn) và cả lớp cùng quan sát xem các áo sau khi xếp có gọn không và có lớn đều nhau không.
  • + Trong trường hợp các áo không đều nhau, hai học sinh xung phong lên trước lớp, nhận hai áo khác một có kích cỡ nhỏ và một có kích cỡ lớn rõ rệt (giáo viên đã chuẩn bị sẵn) và mỗi em gấp một áo. Sau khi xong, theo đề nghị của giáo viên, học sinh đặt hai áo này chồng lên nhau để cả lớp thấy là không đẹp, không gọn vì cái to cái nhỏ.

- Từ đây, học sinh được giáo viên đặt vấn đề: Làm thế nào để gấp áo vừa nhanh lại vừa có cùng kích cỡ sau khi xếp?

b) Giao nhiệm vụ

Để gấp được áo nhanh và các áo sau khi gấp đều có cùng kích thước, các nhóm học sinh tiếp nhận nhiệm vụ làm “Dụng cụ gấp áo” với các tiêu chí:

  • (1) Dụng cụ gấp áo có dạng hình chữ nhật.
  • (2) Dụng cụ gấp áo dễ sử dụng và gấp gọn được sau khi sử dụng.
  • (3) Dụng cụ gấp áo được trang trí đẹp mắt và có biểu tượng hoặc tên nhóm.

Học sinh được dẫn dắt: để làm được dụng cụ gấp áo theo yêu cầu trên, các em cần tìm hiểu các kiến thức nền ở hoạt động tiếp theo.

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

2.1. Xếp hình từ các hình phẳng

- Học sinh được giáo viên cho xem một số hình được ghép từ các phẳng gồm hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật và được yêu cầu gọi tên các hình ghép này, kể ra các hình phẳng có mặt trong hình ghép.

Hình 1: Mẫu hình ghép từ các hình phẳng

- Mỗi học sinh được yêu cầu lấy bộ đồ dùng học tập hình phẳng để góp vào làm chung sản phẩm cho nhóm theo các mẫu trên.

- Theo yêu cầu của giáo viên, mỗi nhóm cho học sinh tự sáng tác các hình mới như con vật, đồ dùng, xe, bông hoa, … bằng cách ghép các hình phẳng từ bộ đồ dùng học tập và gọi tên các sản phẩm ghép thành.

Lưu ý: Nếu học sinh đã học bài đếm các số rồi thì giáo viên có thể yêu cầu các nhóm cho biết đã sử dụng bao nhiêu hình tròn, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật cho mỗi hình đã ghép.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

• Khám phá dụng cụ gấp áo

- Giáo viên lấy dụng cụ gấp áo mà mình đã chuẩn bị sẵn, thực hiện thao tác gấp 3-4 chiếc áo khác kích cỡ bằng dụng cụ này.

Hình 2: Dụng cụ gấp áo

- Học sinh quan sát thao tác của giáo viên và quan sát sản phẩm áo sau khi được gấp.

- Học sinh trả lời các câu hỏi:

  • + Những chiếc áo sau khi được gấp bằng dụng cụ gấp áo trông như thế nào? Nếu thử chồng các áo này lên nhau thì chúng có đều nhau không? (Mỗi chiếc áo được gấp gọn gàng, khi chồng lên nhau thì kích thước bằng nhau).
  • + Gấp áo bằng dụng cụ này có nhanh không? Có dễ không? Sau khi gấp tất cả áo xong, cất vào ngăn/tủ có gọn không? (Nhanh hơn, dễ hơn và cùng kích cỡ sau khi gấp áo nên cất trong ngăn/tủ sẽ tiện lợi và gọn gàng hơn).

• Tìm cách thực hiện:

- Học sinh quan sát dụng cụ gấp áo và trả lời các câu hỏi do giáo viên định hướng:

Hình 3: Dụng cụ gấp áo
  • + Dụng cụ gấp áo này lằm bằng vật liệu gì? (Bằng bìa cứng)
  • + Khi mở ra, dụng cụ gấp áo có hình gì? (Hình chữ nhật)
  • + Dụng cụ này được ghép lại từ bao nhiêu bìa hình chữ nhật?
  • + Những chỗ nào cần dán? Chỗ nào không cần dán lại với nhau?

- Học sinh được tiếp cận các vật liệu gồm 2 hình chữ nhật dài bằng nhau và hai hình chữ nhật nhỏ bằng nhau, băng keo, kéo. Sau đó học sinh được đề nghị chỉ vào các vật liệu này và gọi tên vật liệu (bìa giấy), dụng cụ (kéo, băng keo), tên hình phẳng ứng với các tấm bìa (hình chữ nhật).

Hình 4: Vật liệu làm dụng cụ gấp áo

- Học sinh được yêu cầu xếp các tấm bìa để tạo thành hình ghép dụng cụ gấp áo cho đúng rồi thử đề nghị dán những chỗ cần thiết. Giáo viên xác nhận hình ghép đúng, vị trí dán đúng, thứ tự các bước dán đúng để tạo hình dụng cụ gấp áo.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Học sinh thực hiện làm sản phẩm theo nhóm. Giáo viên quan sát, hỗ trợ, ghi nhận tinh thần làm việc của các nhóm.

+ Dán bìa 3 và 4 với nhau trước thành bìa 3-4;

Hình 5a: Cách dán dụng cụ gấp áo - Bước 1

+ Dán bìa 1 vào bên trái bìa 3-4, cuối cùng dán bìa 2 vào bên phải bìa 3-4

Hình 5b: Cách dán dụng cụ gấp áo - Bước 2

- Dự kiến các trường hợp có thể xảy ra và cần điều chỉnh:

+ Khó gấp áo vì khi dán băng dính, đã đặt hai mép bìa sát nhau quá dán lại.

+ Dán hai mép bìa không dài bằng nhau xoay chiều để dán lại/cắt bìa mới,...

+ Băng dính bản lớn, khó dán dọc theo chiều dài đường cần dán Dùng băng dính bản nhỏ và dán từng đoạn cách quãng nhau.

Hình 6: Cách dán dùng bằng băng dính bản nhỏ

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Các nhóm học sinh thi gấp nhanh 5 áo theo hình thức tiếp sức và bằng sản phẩm dụng cụ gấp áo.

- Các học sinh cùng nhóm xếp hàng dọc và luân phiên mỗi em xếp 1 áo. Nhóm xong nhanh nhất và xếp đẹp, ngay ngắn, đều nhau, gọn gàng nhất thì thắng cuộc.

Đặt áo lên dụng cụ gấp áo -> gấp bìa 1 sang phải -> gấp bìa 2 sang trái gấp bìa 3 lên trên

Hình 7: Cách gấp áo bằng dụng cụ

- Các nhóm học sinh được đề nghị phát biểu suy nghĩ về tính hữu dụng của sản phẩm và thực hiện đánh giá sản phẩm của nhóm bạn theo phiếu đánh giá (xem Phụ lục).

- Giáo viên nhận xét tiết học, tuyên dương tinh thần làm việc của học sinh.

IV. Phụ lục

1. Phiếu đánh giá

TT Tiêu chí Mức độ
1 Dễ sử dụng
2 Áo xếp bằng dụng cụ đều và đẹp
3 Hợp tác tốt trong nhóm

2. Sản phẩm minh họa

Hình 8: Sản phẩm minh họa Dụng cụ gấp áo

3. Hỗ trợ (hướng dẫn học sinh dán 2 tấm bìa sao cho đóng mở được)

o Thực hành dán nối hai tấm bìa bằng băng dính bản lớn:

+ Đặt hai mép bìa cần dán theo chiều dọc và cách nhau một khoảng bằng độ rộng cây bút chì.

+ Cắt phần băng dính và dán hai mép bìa.

Hình 9: Cách dán hai mép bìa để gấp mở được

o Vẽ và cắt bìa hình chữ nhật theo mẫu

+ Đặt bìa mẫu hình chữ nhật lên giấy bìa cứng, dùng bút chì dựa vào biên hình chữ nhật và vẽ đường xung quanh hình chữ nhật này rồi cắt theo đường vẽ.

Hình 10: Cách vẽ bìa hình chữ nhật theo mẫu