Chủ đề STEM: Làm nhạc cụ tự chế - Lợi ích của âm thanh

Môn học chủ đạo: Khoa học

Thời lượng: 2 tiết

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo
Môn học tích hợp

Khoa học

  • Trình bày được ích lợi của âm thanh trong cuộc sống.
  • Thu thập, so sánh và trình bày được ở mức độ đơn giản thông tin về một số nhạc cụ thường gặp (một số bộ phận chính, cách làm phát ra âm thanh).

Công nghệ

  • Thực hành đo, vẽ, cắt các hình khối
  • Sử dụng vật liệu tái chế làm đồ chơi

Mĩ thuật

  • Chấm, nét, hình, khối, màu sắc, đậm nhạt, chất cảm, không gian. Nguyên lí tạo hình.
  • Thực hành sáng tạo sản phẩm thủ công 2D.

I. Mục tiêu

1. Năng lực

  • Trình bày được ích lợi của âm thanh trong cuộc sống.
  • Thu thập, so sánh và trình bày được ở mức độ đơn giản thông tin về một số nhạc cụ thường gặp (một số bộ phận chính, cách làm phát ra âm thanh).
  • Trang trí được nhạc cụ tự chế bằng các họa tiết và màu sắc phù hợp.
  • Hợp tác được với các thành viên trong nhóm trong việc thiết kế và thực hiện làm nhạc cụ, tự đánh giá.
  • Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm.

2. Phẩm chất:

  • Chăm chỉ, cẩn thận trong thực hiện làm sản phẩm, quan sát, ghi chép, đo đạc.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

  • Một số video có âm thanh nói chuyện, cười đùa, ca hát, tiếng còi xe, trống trường, tiếng kẻng, tiếng chim hót, tiếng đàn, trống,…
  • Phân công HS tìm hiểu về các bộ phận và cách tạo âm thanh của 1 số nhạc cụ thường gặp như trống, đàn ghi ta,…

2. Chuẩn bị của học sinh:

HS chuẩn bị tìm hiểu về các bộ phận và cách tạo âm thanh của 1 số nhạc cụ thường gặp như trống, đàn ghi ta,… theo phân công, mang theo hình vẽ hoặc mang nhạc cụ/mô hình đến lớp để mô tả.

III. Tiến trình dạy học

1. Hoạt động 1: Xác định nhiệm vụ, thành lập nhóm (tiết 1-5 phút)

  • GV mang 1 chiếc trống đồ chơi và gõ thử hoặc có thể căng một số dây chun vào 1 hộp rỗng và gẩy dây để tạo thành tiếng. Yêu cầu HS giải thích vì sao làm như vậy lại phát ra được âm thanh?
  • HS trả lời các câu hỏi dựa trên kiến thức bài học trước và các hiểu biết thực tiễn.
  • GV đặt các câu hỏi: Âm thanh có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống? Có thể chế tạo các nhạc cụ đơn giản như trống hay các loại đàn từ các nguyên liệu tái chế đơn giản để tạo ra âm thanh như mong muốn không? Và mời HS chia sẻ các nhạc cụ tự chế mà HS làm hoặc biết ai đó làm
  • GV nêu nhiệm vụ của bài học: Tìm hiểu ích lợi của âm thanh trong cuộc sống, thông tin về một số nhạc cụ thường gặp (một số bộ phận chính, cách làm phát ra âm thanh). Sau đó HS thực hiện làm việc nhóm làm nhạc cụ tự chế từ các vật liệu tái chế theo một số yêu cầu cụ thể.
  • GV đề xuất loại nhạc cụ tự chế chung cùng thực hiện là trống (tùy theo trường hợp cụ thể GV có thể cho HS lựa chọn hoặc đề xuất các nhạc cụ khác). Đặt vấn đề: Cách làm như thế nào? Nên chọn nguyên liệu và kích thước như thế nào để tạo ra trống có âm thanh mong muốn. Sau đó chốt lại nhiệm vụ và các yêu cầu với sản phẩm, dành thời gian cho HS đặt câu hỏi về cách làm và các yêu cầu với sản phẩm.

Nhiệm vụ:

Làm trống từ các nguyên liệu tái chế, thủ công đơn giản.

Yêu cầu với sản phẩm:

      1. Trống có tiếng kêu to, vang xa
      2. Trống chắc chắn, chơi gõ được không bị bong, rách
      3. Trang trí đẹp, phù hợp với trống.
      4. Giới thiệu được các nguyên liệu và cách làm trống
      5. Giải thích được tại sao trống lại kêu, tạo sao chọn nguyên liệu và kích thước trống đã làm.
    GV chia lớp thành các nhóm (khoảng 5 người/nhóm). Yêu cầu các nhóm thảo luận bầu nhóm trưởng, thư kí, đặt tên nhóm và khẩu hiệu của nhóm.

HS thực hiện bầu cơ cấu tổ chức theo yêu cầu, ghi lại danh sách nhóm và phân công chức vụ, tên nhóm vào giấy nộp cho GV (phiếu ghi thành viên và tổ chức nhóm xem phụ lục 2).

2. Hoạt động 2: Thực hiện nhiệm vụ

Hoạt động 2.1. Khám phá kiến thức (tiết 1-15 phút)

Khám phá kiến thức về tác dụng của âm thanh

GV chiếu bị một số video có âm thanh nói chuyện, cười đùa, ca hát, tiếng còi xe, trống trường, tiếng kẻng, tiếng chim hót, tiếng đàn, trống,… Yêu cầu HS xem video, kết hợp với hiểu biết thực tiễn hãy nêu các tác dụng của âm thanh trong cuộc sống của chúng ta.

GV gọi một số HS trả lời sau đó chốt lại kiến thức về tác dụng của âm thanh trong cuộc sống:

  • Âm thanh rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống, cụ thể âm thanh giúp chúng ta có thể:
        + trò chuyện với nhau, trao đổi tâm tư, tình cảm, học sinh nghe cô giáo giảng bài
        + giao lưu văn hóa, văn nghệ + hình ảnh biểu diễn văn nghệ
        + nghe, phân biệt được các nghe được các tín hiệu đã qui định: tiếng trống trường, tiếng còi xe, tiếng kẻng, tiếng còi báo hiệu có đám cháy, báo hiệu cấp cứu,…
        + thư giãn, thêm yêu cuộc sống.
  • Âm thanh truyền đi được trong không khí, chất lỏng và cả chất rắn. Có rất nhiều các loại âm thanh khác nhau. Có những âm thanh làm ta rất thích và có những âm thanh làm chúng ta khó chịu là bởi vì âm thanh có tần số và âm lượng khác khau. Con người có thể tạo ra rất nhiều các âm thanh khác nhau phục vụ cho cuộc sống!

Khám phá kiến thức về thông tin một số loại nhạc cụ thường gặp

GV mời một số HS (đã phân công chuẩn bị, về một số nhạc cụ như trống đàn ghi ta, đàn sáo trúc,..) lên chia sẻ thông tin về một số nhạc cụ thường gặp như một số bộ phận chính, cách làm phát ra âm thanh của chúng.

Hoạt động 2.2. Lập và trình bày bản thiết kế làm trống ((tiết 1-15 phút))

GV đặt vấn đề khi làm trống, yếu tố nào ảnh hưởng đến âm thanh của trống?

HS kể các yếu tố, giải thích.

GV tổng kết lại các yếu tố có thể ảnh hướng đến âm thanh của trống và hướng dẫn HS làm thí nghiệm thử nghiệm âm thanh của trống với các ống bơ có kích thước khác nhau, nguyên liệu làm mặt trống khác nhau, độ căng mặt trống khác nhau và ghi lại mô tả các âm thanh trong mỗi lần thử nghiệm.

HS thảo luận vẽ bản thiết kế làm trống, lưu ý các bản thiết kế cần mô tả rõ: vẽ hình ảnh trống, trang trí trống, ghi chú các nguyên liệu, kích thước sử dụng.

Sản phẩm của hoạt động này là mỗi nhóm có 1 bản thiết kế làm trống, trình bày được ý tưởng và giải thích lí do lựa chọn các vật liêu, kích thức, trang trí trống.

Trình bày bản thiết kế làm trống:

  • GV mời 1 nhóm báo cáo chi tiết thiết kế trống của nhóm mình, giải thích lí do lựa chọn các thiết kế về vật liệu, kích thước, trang trí. Các nhóm khác trình bày điểm khác, nhận xét góp ý.
  • GV nhận xét góp ý cho các nhóm

Hoạt động 2.3. Thực hiện làm trống, gõ thử và đánh giá, điều chỉnh (ở nhà)

GV phát phiếu gợi ý cách thực hiện làm trống.

HS chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết theo thiết kế, làm thử nghiệm trống theo ý tưởng thiết kế của nhóm ở nhà và gõ thử, trang trí. Tự đánh giá theo tiêu chí ban đầu đã thống nhất điều chỉnh nếu cần.

Hoạt động 3: Báo cáo sản phẩm, đánh giá (tiết 2)

Các nhóm trưng bày, HS các nhóm khác thăm quan gõ thử, đánh giá trống theo các tiêu chí với 3 mức độ đạt, tốt và rất tốt bằng cách đánh sao cho các sản phẩm.

GV tổng kết, công bố điểm chấm của từng nhóm, mời nhóm được chấm điểm cao và thấp nhất chia sẻ, giải thích ý tưởng và cách làm trống, còn lại GV nhận xét chung, có chú ý có các nhận xét riêng cho từng nhóm để ghi nhận và góp ý.

GV nhận xét tinh thần làm việc, tổng kết, đánh giá các sản phẩm, ghi nhận sự tích cực, sáng tạo, sản phẩm tốt, nhắc/góp ý về cách làm việc nhóm, đánh giá. GV có thể gợi ý HS tự thiết kế và làm các nhạc cụ tự chế khác riêng cho mình và có thể chia sẻ sản phẩm với GV và các bạn lớp (hoặc GV có thể mở rộng thành 1 cuộc thi “Chế tạo nhạc cụ của em”, HS tự chọn và chế tạo nhạc cụ theo ý, mô tả ý tưởng, cách tạo âm thanh và âm thanh của nhạc cụ).

IV. Phụ lục

1. Nhiệm vụ và danh sách nhóm

NHIỆM VỤ VÀ DANH SÁCH NHÓM

Nhiệm vụ: ……….................................…………………….................................................................................…………………………

Tiêu chí đánh giá: ………........................…………………….................................................................................…………………………

DANH SÁCH NHÓM

Tên nhóm:……….................................……............... Slogan của nhóm:.......................................................……

STT Tên thành viên Chức vụ

2. Phiếu gợi ý cách làm trống

Nguyên liệu:
  • 1 hoặc 2 lon sữa bột đã dùng bằng kim loại có kích thước khác nhau.
  • Túi bong bóng lớn (mỗi HS 3 quả)
  • 1 cuộn băng dính trong
  • 1 đôi đũa dùng 1 lần
  • Vải, giấy bóng kính
  • Thước, bút, màu, kéo, băng dính
  • Giấy màu decan

Cách làm:

Bước 1:

Dùng kéo cắt bỏ phần ống ngậm của quả bong bóng.

Bước 2:

Dùng lon sữa làm thân trống. Lồng phần đáy bong bóng (đã cắt ở bước 1) vào miệng lon sữa làm mặt trống. Chú ý điều chỉnh để mặt trống được căng đều. Có thể dùng đũa gõ thử để thử tiếng của trống và điều chỉnh bóng bóng cho ưng ý trước khi thực hiện bước 3.

Bước 3:

Dùng băng dính dán vòng xung quanh miệng lon sữa chỗ mép quả bóng để cố định bong bóng vào lon sữa.

Bước 4:

Dùng đũa dùng 1 lần để làm que đánh trống. Có thể dán giấy màu trang trí que trống.

Bước 5:

Dùng giấy màu cắt thành các hình tùy thích để trang trí trống vòng quanh trống.

Gợi ý phát triển: Có thể chọn các đồ tái chế tương tự khác để làm thân trống, mặt trống và que đánh trống. Khi thay đổi vật liệu làm trống, kích thước của trống có thể tạo ra âm thanh khác nhau. Hãy thử nghiệm các cách khác nữa để được cái trống có âm thanh thật độc đáo nhé.

3. Phiếu đánh giá trống

Tiêu chí Đạt (1*) Tốt (2*) Rất tốt (3*)
Trống có tiếng kêu to, vang xa.
Trống chắc chắn, chơi gõ được không bị bong, rách.
Trang trí đẹp, phù hợp với trống.
Giới thiệu được các nguyên liệu và cách làm trống.
Giải thích được tại sao trống lại kêu, tạo sao chọn nguyên liệu và kích thước trống đã làm.