Chủ đề STEM: Nấm có hại

Môn học chủ đạo: Khoa học

Thời lượng: 3 tiết

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Nội dung chủ đạo
Nội dung tích hợp

Khoa học

  • Nhận biết được tác hại của một số nấm mốc gây hỏng thực phẩm thông qua thí nghiệm hoặc quan sát tranh ảnh, video.
  • Vận dụng được kiến thức về nguyên nhân gây hỏng thực phẩm, nêu được một số cách bảo quản thực phẩm (làm lạnh, sấy khô, ướp muối,…)

Toán học

  • Làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê trong tình huống đơn giản.

I. Mục tiêu

Việc thực hiện bài học STEM này góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển một số năng lực và phẩm chất với các biểu hiện sau:

1. Năng lực

  • Nhận biết được tác hại của một số nấm mốc gây hỏng thực phẩm thông qua video.
  • Vận dụng được kiến thức về nguyên nhân gây hỏng thực phẩm, thực hiện được thí nghiệm bảo quản thực phẩm.
  • Thu thập được thông tin kết quả thí nghiệm bảo quản thực phẩm.

2. Phẩm chất

- Tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài và trao đổi với các thành viên trong nhóm.

- Tiến hành thí nghiệm cẩn thận, tỉ mỉ và đảm bảo sự an toàn khi tiếp xúc với các loại nấm độc.

II. Đồ dùng học tập

1. Các thiết bị và học liệu chuẩn bị cho mỗi nhóm

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Túi zip 6 cái
2 Bánh mì mốc 1 mẫu (dùng chung)
3 Bánh mì sandwich 6 mẫu
4 Khẩu trang 1 hộp (dùng chung)
5 Găng tay y tế 1 hộp (dùng chung)
6 Cọ vẽ phẳng 1 cây (dùng chung)
7 Đồ dùng trang trí thiệp: hoa khô, lá cây khô,... 1 gói

2. Các phiếu học tập hỗ trợ

- Phiếu học tập số 1. Thí nghiệm nấm mốc.

- Phiếu đánh giá chủ đề.

III. Tiến trình dạy học

1. Hoạt động 1: Tìm hiểu tác hại của nấm mốc và xác định vấn đề nghiên cứu (tiết 1 – 15 phút)

Tìm hiểu tác hại của nấm mốc (5 phút)

- GV cho HS xem 1 đoạn video “Tớ đã bị hỏng như thế nào?” khoảng 2 phút và yêu cầu ngẫu nhiên 2 - 3 HS mô tả hiện tượng thực phẩm bị hỏng bằng cách quan sát một số đặc điểm: màu sắc, hình dạng, kích thước nấm mốc.

- GV kết luận nội dung trọng tâm: “Các loại nấm mốc khác nhau gây hỏng nhiều loại thực phẩm”.

Xác định vấn đề nghiên cứu: các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc và đề xuất biện pháp bảo quản phù hợp (10 phút)

- GV đặt vấn đề: Những yếu tố môi trường nào tác động tới tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc? Biện pháp nào được sử dụng để bảo quản thực phẩm?

- GV nêu nhiệm vụ:

  • Các nhóm HS thực hiện thí nghiệm khảo sát tác động của các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc.
  • Đề xuất các biện pháp bảo quản thực phẩm phù hợp.

2. Hoạt động 2: Thực hiện nhiệm vụ (tiết 1 – 20 phút, tiết 2 - 35 phút)

- GV chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 - 6 HS bằng cách bốc số. Các nhóm bầu nhóm trưởng và thư ký.

- GV mô tả nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn HS thực hiện. HS sẽ làm việc theo nhóm thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu theo hướng dẫn và kết luận các kết quả thí nghiệm, từ đó, đề xuất phương án bảo quản thực phẩm phù hợp.

- GV có thể cho xem video “Thí nghiệm bảo quản thực phẩm” để HS dễ hình dung các bước thực hiện trong phiếu học tập.

  • GV theo dõi, ghi nhận quá trình làm việc nhóm và kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
  • Cuối tiết học, GV nhắc nhở HS:
  • Theo dõi, ghi nhận sự thay đổi của các mẫu bánh mì sau 7 ngày theo mẫu Phiếu học tập số 1.
  • Đánh giá kết quả thí nghiệm và kết luận điều kiện môi trường phù hợp để bảo quản thực phẩm theo mẫu Phiếu học tập số 1.
  • Chuẩn bị sản phẩm và nội dung báo cáo cho buổi học tiếp theo.

3. Hoạt động 3: Báo cáo, đánh giá (tiết 3 – 35 phút)

- GV tổ chức buổi báo cáo sản phẩm của từng nhóm HS. Mỗi nhóm sẽ có thời gian trình bày tối đa 3 phút về sản phẩm của mình.

- GV thực hiện đánh giá sản phẩm của HS theo bảng đánh giá.

- GV tuyên dương các nhóm có kết quả thực hiện tốt và nhắc nhở HS vấn đề an toàn khi tiếp xúc với các vi sinh vật.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập số 1

Thí nghiệm ảnh hưởng của các yếu tố môi trường tới tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc và đề xuất biện pháp bảo quản phù hợp

- Đọc cách tiến hành thí nghiệm, thảo luận mô tả, giải thích rõ cách làm và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện.

- Các thành viên thực hiện ghi chép lại hiện tượng quan sát được ở mỗi mẫu trong thời gian 7 ngày.

Yếu tố môi trường Cách tiến hành Cách quan sát (Màu sắc, hình dạng, độ rộng mảng nấm mốc) Người phụ trách
Nhiệt độ

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc.

+ Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Đặt 1 mẫu bánh mì ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp (mẫu 1). Đặt 1 mẫu bánh mì vào tủ lạnh (mẫu 2).

+ Theo dõi và ghi nhận sự thay đổi với các mẫu bánh mì trong thời gian 7 ngày.

Ngày 1:

- Có nấm mốc xuất hiện hay không?

- Màu sắc nấm mốc là gì?

- Hình dạng nấm mốc là gì?

- Kích thước khoảng bị nấm là bao nhiêu?

Ngày 2: …

Ngày 3: …

Ngày 4: …

Ngày 5: …

Ngày 6: …

Ngày 7: …

HS 1

HS 2

Độ ẩm

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc.

+ Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Nhỏ 1 vài giọt nước vào 1 mẫu bánh mì và để ở nhiệt độ phòng (mẫu 3). Mẫu bánh mì còn lại đặt ở nơi có ánh sáng trực tiếp (mẫu 4).

+ Theo dõi và ghi nhận sự thay đổi với các mẫu bánh mì trong thời gian 7 ngày.

Ngày 1:

- Có nấm mốc xuất hiện hay không?

- Màu sắc nấm mốc là gì?

- Hình dạng nấm mốc là gì?

- Kích thước khoảng bị nấm là bao nhiêu?

Ngày 2: …

Ngày 3: …

Ngày 4: …

Ngày 5: …

Ngày 6: …

Ngày 7: …

HS 3

HS 4

Không khí

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc.

+ Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Đặt 1 mẫu ở nhiệt độ phòng (mẫu 5). Mẫu bánh mì còn lại ép hết không khí ra khỏi túi zip (mẫu 6).

+ Theo dõi và ghi nhận sự thay đổi với các mẫu bánh mì trong thời gian 7 ngày.

Ngày 1:

- Có nấm mốc xuất hiện hay không?

- Màu sắc nấm mốc là gì?

- Hình dạng nấm mốc là gì?

- Kích thước khoảng bị nấm là bao nhiêu?

Ngày 2: …

Ngày 3: …

Ngày 4: …

Ngày 5: …

Ngày 6: …

Ngày 7: …

HS 5

HS 6

    Sau khi thực hiện TN, nhóm HS ghi tổng hợp kết quả thí nghiệm của các thành viên vào 1 phiếu chung và thảo luận trả lời các câu hỏi sau:

    1. Nhiệt độ có ảnh hưởng đến tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc hay không và ảnh hưởng như thế nào? Dựa vào hiện tượng nào của thí nghiệm rút ra kết luận đó?

    2. Độ ẩm có ảnh hưởng đến tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc hay không và ảnh hưởng như thế nào? Dựa vào hiện tượng nào của thí nghiệm rút ra kết luận đó?

    3. Không khí có ảnh hưởng đến tốc độ làm hỏng thực phẩm gây ra bởi nấm mốc hay không và ảnh hưởng như thế nào? Dựa vào hiện tượng nào của thí nghiệm rút ra kết luận đó?

    4. Từ các kết luận trên, hãy đề xuất các cách để bảo quản thực phẩm. Cho ví dụ cách làm đó trong thực tế bảo quản thực phẩm tại nhà em.

2. Phiếu đánh giá

NẤM CÓ HẠI

Đánh dấu X vào những nội dung phù hợp:

Tiêu chí Đạt Không đạt
(1) Thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn cá nhân.
(2) Theo dõi và ghi nhận đầy đủ các mẫu bánh mì ở 6 túi zip.
(3) Nhận xét và giải thích được kết quả thí nghiệm.
(4) Kết luận được phương pháp bảo quản thực phẩm phù hợp.
(5) Các thành viên trong nhóm thảo luận tích cực.

TLS1: “Tớ đã bị hỏng như thế nào?”

- Nấm mốc là một trong những tác nhân gây hư hỏng thực phẩm. Khi nấm mốc xâm nhập và phát triển, chúng sẽ tạo ra những mảng bám khác nhau lên thực phẩm.

- Hãy cùng nhau khám phá sự thay đổi của thực phẩm khi bị nhiễm nấm mốc nhé:

  • Bánh mì sandwich: nấm mốc phát triển nhanh và tạo thành các mảng bám trắng xanh trên bề mặt bánh mì.
  • Đậu phộng: nấm mốc phát triển tạo thành những khối màu xanh đậm.
  • Dâu tây: phần thịt dâu tây bị thối tạo thành khối trắng đục.
  • Bắp: nấm mốc phát triển và tạo thành những mảnh trắng trên các hạt bắp.
  • Cà rốt: nấm mốc phát triển nhanh và tạo thành mảng đen.

- Khi thức ăn bị nấm mốc phát triển thì không thể sử dụng được nữa, bạn không thể bỏ phần mốc và ăn phần thức ăn thừa còn lại đâu nhé!

TLS2: “Thí nghiệm nấm mốc”

Thí nghiệm 1.1: Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến tốc độ hỏng thực phẩm bởi nấm mốc

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc. Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Đặt 1 mẫu bánh mì ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp (mẫu 1). Đặt 1 mẫu bánh mì vào tủ lạnh (mẫu 2).

Thí nghiệm 1.2: Khảo sát ảnh hưởng của độ ẩm đến tốc độ hỏng thực phẩm bởi nấm mốc

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc. Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Nhỏ 1 vài giọt nước vào 1 mẫu bánh mì và để ở nhiệt độ phòng (mẫu 3). Mẫu bánh mì còn lại đặt ở nơi có ánh sáng trực tiếp (mẫu 4).

Thí nghiệm 1.3: Khảo sát ảnh hưởng của không khí đến tốc độ hỏng thực phẩm bởi nấm mốc

+ Dùng cọ quét nấm mốc từ mẫu mốc. Quét 1 lớp mỏng lên bề mặt của 2 lát bánh mì.

+ Cho 2 lát bánh mì vào 2 túi zip.

+ Đặt 1 mẫu ở nhiệt độ phòng (mẫu 5). Mẫu bánh mì còn lại ép hết không khí ra khỏi túi zip (mẫu 6).

Theo dõi và kết luận

+ Theo dõi và ghi nhận sự thay đổi về màu sắc, hình dạng, độ rộng mảng nấm mốc với các mẫu bánh mì trong thời gian 7 ngày.

+ Kết luận phương pháp bảo quản thực phẩm phù hợp.