Chủ đề STEM: Mưa sắc màu

Môn học chủ đạo: Khoa học

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung Hỗn hợp và dung dịch trong môn Khoa học.

Mô tả bài học

Nội dung Hỗn hợp và dung dịch của môn Khoa học có yêu cầu cần đạt như sau:

  • Phân biệt được hỗn hợp và dung dịch từ các ví dụ đã cho.

Để đạt được các yêu cầu này, trong bài học STEM Mưa sắc màu, học sinh sẽ sử dụng dầu ăn, nước và màu thực phẩm để tạo thành một món đồ trang trí có tên là mưa sắc màu.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo
Môn học tích hợp

Khoa học

  • Phân biệt được hỗn hợp và dung dịch từ các ví dụ đã cho.

Toán (Vận dụng)

  • Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng để thực hành cân, đo, đong, đếm với các đơn vị đo đại lượng đã học.

Mĩ thuật (Vận dụng)

  • Tạo được màu thứ cấp và đọc được tên các màu đó trong thực hành sáng tạo.

Công nghệ (Vận dụng)

  • Làm được đồ chơi phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn.

I. Yêu cầu cần đạt (của bài học)

  • Phân biệt được hỗn hợp và dung dịch.
  • Nêu được một số ví dụ về hỗn hợp và dung dịch.
  • Sử dụng được cốc hoặc ống đong để đong chất lỏng.
  • Tạo được màu thứ cấp và đọc được tên các màu đó trong thực hành sáng tạo.
  • Làm được đồ chơi phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn.
  • Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm.
  • Chăm chỉ thực hiện các nhiệm vụ học tập, quan sát, ghi chép đầy đủ kết quả quan sát được.

II. Đồ dùng dạy học

Chuẩn bị của giáo viên

- Các phiếu học tập và phiếu đánh giá.

- Dụng cụ/vật liệu giáo viên cung cấp cho các nhóm học sinh:

STT Dụng cụ/vật liệu Số lượng Hình ảnh minh họa

1 Sản phẩm mẫu mưa sắc màu 1 ly/lớp

Hoạt động nghiên cứu kiến thức nền

2 Muỗng nhỏ 1 cái/nhóm
3 Chén nhỏ 1 cái/nhóm
4 Cốc thuỷ tinh 100ml 1 cái/nhóm
5 Muối ăn 1 lọ/nhóm
6 Tiêu 1 lọ/nhóm
7 Bột ngọt 1 lọ/nhóm
8 Đường 1 lọ/nhóm
9 Nước lọc 50ml/nhóm
Hoạt động thiết kế và chế tạo mưa sắc màu (Học sinh lựa chọn sử dụng tùy theo ý tưởng)
10 Ly thủy tinh quai cầm 1 lít có nắp trơn 1cái/nhóm
11 Ly nhựa sọc PP70 200 ml 1cái/nhóm
12 Xiên que gỗ 20 cm 1cái/nhóm
13 Dầu ăn 100 ml/nhóm
14 Bộ 5 màu thực phẩm (màu ngẫu nhiên) 1bộ/nhóm
15 Nước máy 300 ml/nhóm

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh xem sản phẩm mưa sắc màu của giáo viên và tiếp nhận nhiệm vụ mới cho bài học là cùng thiết kế và chế tạo mưa sắc màu.

b) Giao nhiệm vụ

- Học sinh ghi nhận nhiệm vụ thực hiện với các yêu cầu cụ thể vào vở:

    + Sử dụng đúng thể tích các chất đã quy định.

    + Hiện tượng mưa giống như sản phẩm mẫu.

    + Các màu sắc trong cơn mưa kết hợp hài hoà.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

- Giáo viên sử dụng câu chuyện Tấm Cám để đặt câu hỏi: Giả sử ngày xưa nhà của dì ghẻ và Cám không có sẵn gạo và thóc thì họ có thể trộn 2 thứ gì lại với nhau để cho Tấm lựa?

- 5 – 6 học sinh được mời để nêu đáp án của mình. Giáo viên ghi nhanh đáp án của học sinh lên bảng.

- Giáo viên lựa chọn 2 đáp án muối và tiêu; đường và nước để tiếp tục đặt câu hỏi (Giáo viên có thể lựa chọn hoặc thêm vào 2 đáp án tương tự): Theo em, giữa muối và tiêu; đường và nước thì sự kết hợp nào sẽ gây khó khăn cho Tấm nhiều hơn? Vì sao?

- Học sinh thực hiện thí nghiệm và trả lời các câu hỏi trong phiếu học tập số 1 trong vòng 10 phút.

- Đại diện 1 – 2 nhóm học sinh được mời để trình bày kết quả thí nghiệm của nhóm mình. Các nhóm học sinh khác so sánh kết quả thí nghiệm với nhóm bạn và đặt câu hỏi để trao đổi với nhóm bạn.

- Giáo viên sửa phiếu học tập số 1, giới thiệu về hỗn hợp và dung dịch, đồng thời chỉ ra những đặc điểm nổi bật của hỗn hợp và dung dịch.

- Học sinh được giáo viên chốt các kiến thức trọng tâm về hỗn hợp và dung dịch như sau:

    + Hỗn hợp: Hai hay nhiều chất trộn lẫn với nhau.

    + Dung dịch: Hỗn hợp chất lỏng với chất rắn bị hoà tan và phân bố đều hoặc hỗn hợp chất lỏng với chất lỏng hoà tan vào nhau.

- Học sinh tham gia trò chơi “Tập làm cô Tấm” bằng cách thảo luận và hoàn thành phiếu học tập số 2 trong vòng 5 phút để luyện tập phân biệt hỗn hợp và dung dịch.

- Đại diện 2 – 3 nhóm học sinh được mời để nêu đáp án của mình.

- Giáo viên nhận xét và sửa phiếu học tập số 2

- 3 - 4 học sinh được mời để kể tên một số hỗn hợp và dung dịch khác trong cuộc sống.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Học sinh xem lại sản phẩm mưa sắc màu của giáo viên và nhận biết thành phần của ly mưa sắc màu, xác định vị trí của dung dịch, vị trí của hỗn hợp trong ly.

- Học sinh thảo luận nhóm để phác thảo quy trình làm mưa sắc màu.

- Học sinh thảo luận nhóm sử dụng bộ 5 màu thực phẩm, vỉ pha màu và pippette để phối trộn màu sắc. Nhóm học sinh thống nhất lựa chọn màu sắc cho sản phẩm mưa sắc màu của nhóm.

- 1-2 nhóm học sinh được mời để chia sẻ ý tưởng về quy trình làm mưa sắc màu.

**Nội dung báo cáo và chia sẻ

    (1) Các vật liệu cần thiết để làm mưa sắc màu

    (2) Các bước thực hiện làm mưa sắc màu

- Giáo viên tổng kết ý tưởng của các nhóm và nhấn mạnh các bước thực hiện quan trọng.

- Học sinh có thể hoàn thiện quy trình làm mưa sắc màu của nhóm và ghi lại các thay đổi so với ý tưởng ban đầu, giải thích lí do vì sao thay đổi quy trình.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Các nhóm học sinh nhận nguyên vật liệu và làm mưa sắc màu theo quy trình đã đề xuất.

- Học sinh dựa trên các tiêu chí trong phiếu đánh giá sản phẩm (do giáo viên cung cấp) để tự đánh giá sản phẩm mưa sắc màu của nhóm.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Các nhóm trưng bày kết quả mưa sắc màu theo từng khu vực trong lớp.

- Học sinh được hướng dẫn tham quan kết quả của các nhóm và đánh giá trong 10 phút, mỗi nhóm cử thành viên luân phiên trình bày cho nhóm khác.

- Giáo viên đánh giá sản phẩm mưa sắc màu của nhóm học sinh bằng cách đi tham quan, đặt câu hỏi và theo dõi các nhóm thực hiện nhiệm vụ thuyết trình.

- Giáo viên đặt một số câu hỏi để thảo luận chung:

    + Có bao nhiêu chất trong sản phẩm mưa sắc màu?

    + Ly mưa sắc màu là hỗn hợp hay dung dịch? Vì sao?

- Giáo viên giúp học sinh phân tích, nhận biết hỗn hợp và dung dịch qua từng giai đoạn làm mưa sắc màu và cùng cả lớp tóm lược vấn đề.

- Giáo viên thông báo kết quả đánh giá cho các nhóm và trao thưởng (nếu có).

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1: THỬ THÁCH CÔ TẤM

*Thí nghiệm 1. Muối và tiêu

- Vật liệu: Muối ăn và tiêu.

- Dụng cụ: 1 muỗng nhỏ, 1 chén nhỏ

- Cách tiến hành:

    + Quan sát và nếm riêng từng chất. Nêu nhận xét, ghi kết quả vào bảng 1.

    + Cho 1 muỗng muối và 1 muỗng tiêu vào trong chén. Dùng muỗng trộn đều 2 chất.

    + Quan sát và nếm hỗn hợp được tạo thành. Nêu nhận xét và ghi kết quả vào bảng 1.

Tên và đặc điểm của từng chất tạo ra hỗn hợp Đặc điểm của hỗn hợp
1. Muối:
2. Tiêu:

*Thí nghiệm 2: Đường và nước

- Vật liệu: 1 lọ đường, cốc thuỷ tinh chứa 50ml nước lọc

- Dụng cụ: 1 muỗng nhỏ.

- Cách tiến hành:

    + Quan sát và nếm riêng từng chất. Nêu nhận xét, ghi kết quả vào bảng 2.

    + Cho 1 muỗng đường vào cốc nước và khuấy đều.

    + Quan sát và nếm dung dịch vừa pha. Nêu nhận xét và ghi kết quả vào bảng 2.

Tên và đặc điểm của từng chất tạo ra dung dịch Đặc điểm của dung dịch
1. Đường:
2. Nước:

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2: TẬP LÀM CÔ TẤM

Em hãy đóng vai cô Tấm, ghi tên những hình sau vào đúng cột hỗn hợp hay dung dịch nhé.

Hỗn hợp Dung dịch

2. Phiếu đánh giá

PHIẾU ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM MƯA SẮC MÀU

Vẽ 1 ngôi sao cho mỗi tiêu chí dưới đây nếu nhóm bạn thực hiện đạt yêu cầu.

Nội dung Đạt
Sử dụng đúng lượng thể tích để làm mưa sắc màu
Hiện tượng xuất hiện đúng như sản phẩm mẫu
Màu sắc cơn mưa kết hợp hài hoà
Thuyết trình rõ ràng, dễ hiểu.

3. Sản phẩm minh họa