Chủ đề STEM: Món quà yêu thương
Thời lượng: 3-4 tiết
Thời điểm tổ chức
Sau khi học sinh có thể quan sát, nhận biết, mô tả hình dạng của một số hình phẳng và hình khối đơn giản.
Mô tả hoạt động trải nghiệm:
- Hoạt động trải nghiệm này tạo điều kiện cho học sinh nhận biết hình dạng của một số hình phẳng thông qua việc sử dụng vật thật và thực hiện được việc gấp, cắt, ghép, xếp để tạo thành một chiếc thiệp.
- Bên cạnh đó, hoạt động “Món quà yêu thương” tạo cơ hội cho học sinh thể hiện sự quan tâm, yêu thương và lòng biết ơn với các thành viên trong gia đình; phát triển các ý tưởng sáng tạo thông qua việc sử dụng màu sắc, kết hợp các vật liệu trong quá trình thực hiện.
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học
Toán
- Nhận biết và thực hiện được việc gấp, cắt, ghép, xếp và tạo hình.
Mỹ thuật
- Tạo được sản phẩm có hình khối cơ bản.
- Kết hợp vẽ, cắt, xé dán, ...trong thực hành sáng tạo.
- Thể hiện được màu đậm, màu nhạt ở sản phẩm.
Tự nhiên và Xã hội
- Nói được sự cần thiết của việc chia sẻ, dành thời gian quan tâm, chăm sóc yêu thương nhau giữa các thế hệ trong gia đình.
- Thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc yêu thương của bản thân với các thế hệ trong gia đình.
Hoạt động trải nghiệm
- Thực hiện được một số việc làm thể hiện sự quan tâm chăm sóc, lòng biết ơn đến các thành viên trong gia đình phù hợp với lứa tuổi.
I. Mục tiêu
- Nêu được sự cần thiết của việc chia sẻ, dành thời gian cho yêu thương và chăm sóc những người thân trong gia đình.
- Nêu được sự cần thiết của việc chia sẻ, dành thời gian cho yêu thương và chăm sóc những người thân trong gia đình.
- Viết được lời bày tỏ tình cảm của mình đối với người thân trong gia đình.
- Thực hành vẽ minh hoạ được thiệp trước khi tiến hành chế tạo.
- Thực hiện thao tác gấp, cắt các hình học cơ bản (hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác) để làm thiệp.
- Lựa chọn và sử dụng được màu đậm và màu nhạt để trang trí thiệp theo sở thích cá nhân.
- Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến để hoàn thiện sản phẩm của cá nhân và các bạn cùng tham gia.
- Giữ gìn vệ sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.
II. Đồ dùng dạy học
- Ở tiết học trước, giáo viên dặn dò học sinh chuẩn bị các dụng cụ vẽ mĩ thuật (bút chì, thước kẻ, kéo, bút màu sáp, bút lông màu, ...).
Giáo viên chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu cho mỗi nhóm như sau
STT | Thiết bị/Học liệu | Số lượng | Hình ảnh minh họa |
---|---|---|---|
1 | 1 Giấy A8 cứng, nhiều màu (màu đậm, nhạt khác nhau) | 10 tờ/ học sinh | |
2 | Giấy A4 cứng, màu | 1 tờ/học sinh | |
3 | Hình tròn, nhiều màu khác nhau, đường kính 2 cm | 5 hình/học sinh | |
4 | Hình trái tim, nhiều màu khác nhau, kích thước 1 - 2 cm | 5 hình/học sinh | |
5 | Hồ dán khô | 1 hộp | |
6 | Tờ hướng dẫn gấp và cắt các hình cơ bản (Có mô tả trong SGK lớp 2, tập Một) | 1 tờ | |
7 | Đồ dùng trang trí thiệp: hoa khô, lá cây khô,... | 1 gói |
III. Các hoạt động dạy học chủ yếu
1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)
a) Khởi động
- Cả lớp cùng nhau hát theo lời bài hát “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”.
- Học sinh thực hiện chia sẻ theo nhóm 2 học sinh (ngồi gần nhau) để giới thiệu về các thành viên trong gia đình dựa theo các câu hỏi dưới đây trong vòng 5 phút.
- Gia đình em có bao nhiêu thế hệ? Mỗi thế hệ có những thành viên nào?
- Em có thường bày tỏ tình cảm (chia sẻ, giúp đỡ, dành thời gian) của mình với người thân trong gia đình không? Em đã thể hiện tình cảm đó như thế nào?
- Vì sao chúng ta cần chia sẻ, giúp đỡ, dành thời gian cho các thành viên trong gia đình?
- Đại diện 2-3 học sinh chia sẻ câu trả lời của nhóm với cả lớp.
- Học sinh lắng nghe giáo viên chốt lại sự cần thiết của việc chia sẻ, giúp đỡ, dành thời gian cho các thành viên trong gia đình.
- Học sinh xem Video học liệu số 1 “Chớp Chớp học cách yêu thương” và trả lời câu hỏi sau khi kết thúc video. Mỗi câu trả lời đúng, học sinh sẽ đem về cho nhóm 1 ngôi sao.
- Ông bà đã chăm sóc Chớp Chớp như thế nào khi bạn ấy bị ốm?
- Chớp Chớp đã làm gì khi được ông bà nhờ giúp đỡ?
- Chớp Chớp cảm thấy như thế nào sau khi ông bà về quê?
- Chớp Chớp đã làm gì để thể hiện sự chia sẻ, giúp đỡ và dành thời gian cho các thành viên trong gia đình?
- Học sinh lắng nghe dẫn dắt: “Có nhiều cách để thể hiện tình cảm của bản thân đối với các thành viên trong gia đình ví dụ như chia sẻ, giúp đỡ, dành thời gian bên gia đình. Đặc biệt là trong các ngày lễ về gia đình (ngày của mẹ, ngày của bố, ngày gia đình Việt Nam, ...), người ta thường thể hiện tình cảm bằng cách gửi tặng cho nhau những tấm thiệp tự làm để viết những lời yêu thương, suy nghĩ của người tặng đến người thân trong gia đình.”
b) Giao nhiệm vụ
- Học sinh nhận nhiệm vụ: Trong bài học hôm nay, các em hãy tự tay làm những tấm thiệp thật xinh xắn và viết nội dung thiệp để bày tỏ tình cảm của mình hoặc điều mình muốn nói để gửi đến người thân trong gia đình. Để có những tấm thiệp “độc và lạ”, các em có thể sử dụng các hình học cơ bản (đã học ở môn Toán) và ghép các hình học đó thành hình có ý nghĩa (hình người, hình bông hoa, hình hộp quà, ...).
- Yêu cầu của sản phẩm Món quà yêu thương như sau:
- (1) Thiệp có các thành viên trong gia đình được tạo thành bằng cách sử dụng các hình học cơ bản.
- (2) Trang trí thêm cho các thành viên và các hình ảnh khác (ví dụ: món quà, bông hoa, …) bằng cách vẽ hoặc cắt/xé, dán.
- (3) Nội dung thiệp ngắn gọn, thể hiện được suy nghĩ và tình cảm của người tặng đối với người thân.
- (4) Thiệp được phối hợp màu sắc đậm, nhạt một cách sáng tạo giữa các vật liệu trang trí.
2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)
a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp
- Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ (4 - 5 học sinh/nhóm) theo tổ hoặc ngẫu nhiên.
- Các nhóm học sinh nhận nhiệm vụ thảo luận và trả lời các câu hỏi:
- (1) Một tấm thiệp gồm có những gì?
- (2) Nguyên vật liệu nào có thể dùng để làm thiệp?
- Đại diện 1 - 2 nhóm học sinh trả lời câu hỏi thảo luận nhóm.
- Giáo viên giới thiệu các nguyên vật liệu cung cấp cho mỗi nhóm.
- Học sinh thảo luận nhóm trong vòng 10 phút về hình vẽ minh họa thiệp mà nhóm muốn làm vào Phiếu học tập với yêu cầu như sau:
- Tên các hình học cơ bản được sử dụng để làm thiệp.
- Vẽ minh họa các chi tiết hình học cơ bản cần dùng để ghép thành hình có ý nghĩa. (Ví dụ: Làm hình người bằng cách ghép hình tròn và hình chữ nhật).
- Ý nghĩa của các hình ảnh trang trí (Ví dụ: món quà, tấm thiệp, bông hoa…).
- Chủ đề được chọn để viết nội dung thiệp (Ví dụ: Lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời chúc mừng, ...).
- Sau khi hết thời gian thảo luận nhóm, đại diện 1 nhóm học sinh chia sẻ về nội dung thảo luận của nhóm trong vòng 2 phút.
- Các nhóm khác lắng nghe và có thể đặt thêm câu hỏi cho nhóm bạn (nếu có).
- Giáo viên có thể đặt thêm một số câu hỏi gợi ý nếu học sinh chưa biết cách làm hoặc giải đáp thắc mắc.
b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá
- Mỗi nhóm học sinh nhận nhiệm vụ làm 1 tấm thiệp để tặng người thân trong gia đình trong vòng 20 phút với yêu cầu:
- Dựa vào bản vẽ minh họa sản phẩm của nhóm, các thành viên trong nhóm phân chia nhiệm vụ và thực hành làm thiệp. Hoặc nếu có điều chỉnh so với bản vẽ ban đầu thì ghi chú lại và giải thích cho sự điều chỉnh đó.
- Nội dung viết thiệp khác nhau nhưng vẫn theo chủ đề nhóm đã chọn (Lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời chúc mừng, ...).
- Sau khi hết thời gian làm sản phẩm, giáo viên thông báo và cho thêm 2 phút để các nhóm học sinh dọn vệ sinh khu vực thực hành làm sản phẩm.
c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh
- Giáo viên sắp xếp khu vực cho các nhóm học sinh bày trí sản phẩm trên bàn.
- Học sinh tiến hành hoạt động báo cáo sản phẩm theo trình tự:
- (1) Chủ đề và nội dung thiệp.
- (2) Các hình học mà nhóm sử dụng để làm thiệp.
- (3) Ý nghĩa của hình ảnh được dùng để trang trí thiệp.
+ Thành viên đại diện của các nhóm học sinh trình bày về sản phẩm của nhóm với các nội dung sau:
+ Các nhóm khác bình chọn thiệp đẹp, sáng tạo và có nội dung ý nghĩa bằng cách dán sticker ngôi sao cho nhóm mà mình yêu thích. Mỗi nhóm được 3 sticker ngôi sao để bình chọn cho nhóm bạn.
- Giáo viên nhắc học sinh khi bình chọn cần lưu ý các yêu cầu sản phẩm của giáo viên.
- Các nhóm tiến hành báo cáo và bình chọn sản phẩm yêu thích theo sự hướng dẫn của giáo viên.
- Giáo viên nhận xét chung, tuyên dương nhóm được nhiều ngôi sao bình chọn nhất.
- Nếu cần thiết, giáo viên cho học sinh xem video Học liệu số 2 “Hướng dẫn làm thiệp” để chốt lại một số bước mà học sinh cần chú ý.
- Giáo viên tổng kết số lượng ngôi sao của mỗi nhóm và trao thưởng cho nhóm chiến thắng là nhóm có nhiều ngôi sao nhất.
- Giáo viên tổng kết chủ đề và khuyến khích học sinh có thể về nhà tự làm thiệp để tặng người thân trong gia đình mình.
IV. Phụ lục
1. Phiếu học tập
Hướng dẫn thực hiện
Thảo luận nhóm trong vòng 10 phút để thảo luận các nội dung sau đây:
1) Tên các hình học cơ bản được sử dụng để làm thiệp.
2) Vẽ minh họa các chi tiết hình học cơ bản cần dùng để ghép thành hình có ý nghĩa. (Ví dụ: Làm hình người bằng cách ghép hình tròn và hình chữ nhật).
3) Ý nghĩa của các hình ảnh trang trí (ví dụ món quà, tấm thiệp, bông hoa…).
4) Chủ đề được chọn để viết nội dung thiệp (Ví dụ: Lời cảm ơn, lời xin lỗi, lời chúc mừng, ...).
Nhóm em có điều chỉnh nào khác so với bản thiết kế? Giải thích cho sự điều chỉnh đó.
2. Phiếu đánh giá
2.1 Phiếu đánh giá của giáo viên
Tiêu chí | Các mức độ | ||
Chưa đạt | Đạt | Chưa đạt | |
Thiệp có các thành viên trong gia đình được tạo thành bằng cách sử dụng các hình học cơ bản. | |||
Có vẽ/cắt/xé minh họa thêm chi tiết cho các thành viên và các hình ảnh khác (Ví dụ: món quà, bông hoa, …). | |||
Nội dung thiệp ngắn gọn, thể hiện được suy nghĩ và tình cảm của người tặng đối với người được nhận (người thân). | |||
Thiệp được phối hợp màu sắc đậm, nhạt một cách sáng tạo giữa các vật liệu trang trí. |