Chủ đề STEM: Mô hình các cơ quan trong cơ thể người
Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung con người và sức khoẻ (môn Tự nhiên và Xã hội)

Mô tả chủ đề Stem:
  • Chủ đề tạo điều kiện cho học sinh củng cố, ôn tập kiến thức về các bộ phận chính của các cơ quan: tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh trong cơ thể người. Biết thực hành theo hướng dẫn để tạo ra sản phẩm là một mô hình các cơ quan quan trọng trong cơ thể người. Chủ đề trải nghiệm được tổ chức trong 2 tiết góp phần thực hiện yêu cầu cần đạt của môn Tự nhiên và xã hội về việc tìm hiểu các bộ phận chính của các cơ quan: tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh. Bên cạnh đó, hoạt động giúp học sinh hình thành các kĩ năng trong môn Công nghệ như lựa chọn được nguyên vật liệu, sử dụng được dụng cụ để làm được các sản phẩm học tập, trong môn Toán như giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gấp, cắt, ghép, xếp, vẽ và tạo hình trang trí…
Nội dung tích hợp trong bài học
Môn học tích hợp

Tự nhiên và Xã hội

  • Chỉ và nói tên được các bộ phận chính của các cơ quan: tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh
  • Nhận biết được chức năng cơ bản của các cơ quan thông qua các hoạt động thường ngày của bản thân

Công nghệ

  • Lựa chọn được vật liệu làm đồ dùng học tập đúng yêu cầu.
  • Sử dụng được các dụng cụ để làm đồ dùng học tập đúng cách, an toàn.
  • Làm được một đồ dùng học tập đơn giản theo các bước cho trước, đảm bảo yêu cầu về kĩ thuật, thẩm mĩ.

Toán

  • Giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gấp, cắt, ghép, xếp, vẽ và tạo hình trang trí.

Mĩ thuật

  • Hiểu được một số thao tác, công đoạn cơ bản để làm nên sản phẩm.
  • Thể hiện được chi tiết hoặc hình ảnh trọng tâm ở sản phẩm.
  • Trưng bày, giới thiệu được sản phẩm, chia sẻ mục đích sử dụng.
I. Mục tiêu

- Nhận biết được các bộ phận của các cơ quan: hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, bài tiết.

- Nêu được chức năng cơ bản của các cơ quan quan trọng bên trong cơ thể.

- Lựa chọn và sử dụng được các nguyên liệu và dụng cụ để làm mô hình đúng cách, an toàn.

- Lựa chọn được vật liệu để chế tạo được mô hình 2D mô tả các cơ quan quan trọng trong cơ thể con người.

- Hợp tác được với các thành viên trong nhóm trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập.

- Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm, đóng góp ý kiến cá nhân để hoàn thiện sản phẩm của nhóm mình và các nhóm khác.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Các phiếu học tập và phiếu đánh giá.

- Các video hướng dẫn học sinh tìm hiểu hiện tượng, chế tạo mô hình.

- Nguyên vật liệu giáo viên chuẩn bị cho 1 nhóm học sinh:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Hình ảnh các bộ phận của cơ quan tuần hoàn khổ A1 1
2 Hình ảnh các bộ phận của cơ quan tiêu hóa khổ A1 1
3 Hình ảnh các bộ phận của cơ quan thần kinh khổ A1 1
4 Hình ảnh các bộ phận của cơ quan hô hấp khổ A1 1
5 Hình ảnh các bộ phận của cơ quan bài tiết khổ A1 1

2. Chuẩn bị của học sinh

- Giao cho mỗi nhóm (5 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Giấy xốp các màu khổ A4 Mỗi màu 1 tờ
2 Màu nước, cọ vẽ 1
3 Kéo cắt 1
4 Bút chì 1
5 Thước kẻ 1
6 Keo hai mặt 1

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1. Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh kể tên các bộ phận bên trong cơ thể mà các em đã biết thông qua trò chơi truyền điện. Cách chơi như sau: giáo viên chỉ định một học sinh phát biểu, sau khi học sinh nêu được một bộ phận, học sinh sẽ chỉ định một bạn học khác và học sinh tiếp theo lại nêu tiếp một bộ phận khác bên trong cơ thể, liên tục như vậy cho đến khi có học sinh không kể được, thì trò chơi kết thúc.

- Giáo viên tổng kết các ý kiến của học sinh, dẫn dắt các bộ phận trên cơ thể thuộc các cơ quan khác nhau như cơ quan tiêu hóa, cơ quan tuần hoàn, cơ quan thần kinh, cơ quan hô hấp và cơ quan bài tiết…Mỗi cơ quan có những đặc điểm và chức năng riêng giúp cơ thể có thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.

b) Nhận nhiệm vụ

Để nhận biết được các bộ phận của các cơ quan: hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, bài tiết và trình bày được chức năng cơ bản của các cơ quan quan trọng bên trong cơ thể. Giáo viên đề xuất nhiệm vụ học sinh vận dụng kiến thức và làm mô hình các cơ quan quan trọng trong cơ thể người với các yêu cầu sau:

  • (1). Mô hình minh hoạ vị trí 5 cơ quan quan trọng trong cơ thể con người là cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, hô hấp và bài tiết.
  • (2). Các cơ quan có kích thước, hình dạng giống với thực tế.
  • (3). Tên các cơ quan được chú thích cụ thể trên mô hình
  • (4). Sử dụng màu sắc, chất liệu phù hợp làm nổi bật được các cơ quan khác nhau.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Củng cố kiến thức về đặc điểm các cơ quan trong cơ thể người

- Học sinh hoàn thành nhiệm vụ 1 trong phiếu học tập, nhận biết các bộ phận chính của 5 cơ quan quan trọng trong cơ thể người

- Giáo viên yêu cầu đại diện 5 nhóm sẽ gắn các thẻ chữ thích hợp vào sơ đồ 5 cơ quan khổ lớn được giáo viên treo trên bảng. Các nhóm khác cùng giáo viên nhận xét và bổ sung.

- Giáo viên dựa trên sơ đồ và chốt lại:

  • + Cơ quan tiêu hóa gồm các bộ phận: khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn, tuyến nước bọt, gan, túi mật và tụy.
  • + Cơ quan tuần hoàn gồm các bộ phận: tim và các mạch máu
  • + Cơ quan thần kinh gồm các bộ phận: Bộ não, tủy sống và các dây thần kinh.
  • + Cơ quan hô hấp gồm các bộ phận: Mũi, khí quản, phế quản và phổi.
  • + Cơ quan bài tiết gồm các bộ phận: Thận, bàng quang và các ống dẫn.

b) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh sử dụng các nguyên vật liệu giáo viên cung cấp và các dụng cụ đã được giao chuẩn bị sẵn để xây dựng kế hoạch, thảo luận đề xuất ý tưởng, thực hiện vẽ hình phác thảo ghi tên các cơ quan quan trọng trong cơ thể người, ghi chú các nguyên vật liệu cần sử dụng và đề xuất các bước thực hiện làm sản phẩm vào phiếu học tập.

- Các nhóm trình bày phương án làm sản phẩm của nhóm trong thời gian 3 phút, sau đó nghe góp ý nhận xét từ nhóm bạn và giáo viên. Giáo viên có thể đặt ra một số câu hỏi thảo luận như sau:

  • + Khi mô tả các bộ phận trong cơ thể cần lưu ý làm nổi bật các bộ phận bằng các màu sắc khác nhau
  • + Thực hiện mô hình gồm các bộ phận thuộc cơ quan tiêu hóa, bộ phận tim thuộc cơ quan tuần hoàn, bộ phận não thuộc cơ quan thần kinh, bộ phận phổi thuộc cơ quan hô hấp.

c) Chế tạo, thử nghiệm và đánh giá

- Giáo viên tổ chức cho các nhóm sử dụng nguyên vật liệu giáo viên cung cấp và các nguyên vật liệu đã chuẩn bị để tiến hành thực hiện mô hình theo các bước đã thống nhất ở hoạt động trên trong vòng 25 phút. (Giáo viên có thể điều chỉnh tùy theo đặc điểm học sinh. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh tự vẽ và cắt hoặc giáo viên cung cấp các mẫu cơ quan đã được in sẵn trên giấy để học sinh cắt theo mẫu).

- Các nhóm tiến hành làm và thử nghiệm sản phẩm theo bản vẽ đã được góp ý. Trong quá trình làm sản phẩm, các nhóm có thể điều chỉnh phương án nếu cần. Ghi chú lại điều chỉnh này.

- Các nhóm tự đánh giá sản phẩm của nhóm mình đã đạt các yêu cầu giáo viên đề ra ban đầu chưa.

- Giáo viên quan sát và hỗ trợ các nhóm trong quá trình chế tạo và thử nghiệm sản phẩm. Giáo viên yêu cầu học sinh vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc sau khi hoàn thành sản phẩm.

d) Chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh

- Giáo viên tổ chức cho các nhóm trình bày sản phẩm và thuyết trình (mỗi nhóm cử 1 học sinh báo cáo/thuyết trình trong thời gian 3 phút).

- Học sinh lắng nghe và nhận xét kết quả của nhóm bạn. Giáo viên kết hợp đặt câu hỏi kiểm tra, củng cố kiến thức học sinh về các biện pháp chăm sóc và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể:

  • + Chúng ta cần làm gì để bảo vệ và chăm sóc cơ quan tiêu hóa?
  • + Theo em, chúng ta nên làm gì để có một cơ quan tuần hoàn khỏe mạnh.
  • + Để bảo vệ cơ quan thần kinh, chúng ta cần có những hoạt động gì?

- Giáo viên tổ chức cho các nhóm đánh giá sản phẩm và phần thuyết trình của nhóm bạn theo Phiếu đánh giá số 1, đánh giá kĩ năng và kết quả hoạt động nhóm theo Phiếu đánh giá số 2.

- Giáo viên đưa ra kết luận và tổng hợp kết quả đánh giá của từng nhóm thông qua thông tin từ các phiếu đánh giá và tổng kết.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

Nhiệm vụ 1: Điền tên các bộ phận chính của các cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, thần kinh, hô hấp và bài tiết vào các ô trống:
Cơ quan tiêu hóa Thiết Cơ quan tuần hoàn Cơ quan thần kinh
Cơ quan hô hấp Cơ quan bài tiết
Nhiệm vụ 2: Em hãy xác định thứ tự đúng cho các bước thực hiện sau đây để có thể làm mô hình minh họa các cơ quan trong cơ thể người:
a. Xác định vị trí các bộ phận trên mô hình
b. Vẽ ra giấy các bộ phận
c. Kiểm tra vị trí các bộ phận đã đặt.
d. Tô màu, trang trí cho các bộ phận
f. Cắt và dán các bộ phận vào vị trí đã xác định.
g. Liệt kê các bộ phận có trong mô hình.

2. Phiếu đánh giá

3. Sản phẩm minh họa