Chủ đề STEM: Lời nói từ thiên nhiên

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 3 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh có thể nhận biết, mô tả được một số hiện tượng thiên tai (ví dụ: bão, lũ, lụt, giông sét, hạn hán,...) ở mức độ đơn giản và nêu được một số rủi ro dẫn đến các thiệt hại về tính mạng con người và tài sản do thiên tai gây ra.

Mô tả hoạt động trải nghiệm:
  • Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện cho học sinh nhận biết và mô tả được một số hiện tượng thiên tai và một số rủi ro do thiên tai gây ra trong quá trình tìm hiểu và thiết kế mô hình bè nổi cứu hộ.
  • Bên cạnh đó, hoạt động “Lời nói từ thiên nhiên” tạo cơ hội cho học sinh thực hành đo độ dài bằng đơn vị cm và phát triển các ý tưởng sáng tạo thông qua việc sử dụng màu sắc, kết hợp các vật liệu trong quá trình thực hiện.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Nội dung tích hợp

Tự nhiên và xã hội

  • Nhận biết và mô tả được một số hiện tượng thiên tai (ví dụ: bão, lũ lụt, giông sét, hạn hán,...) ở mức độ đơn giản
  • Nêu được 1 số rủi ro dẫn đến các thiệt hại về tính mạng con người và tài sản do thiên tai gây ra.

Mĩ thuật

  • Biết xác định nội dung chủ đề và lựa chọn công cụ, vật liệu để thực hành.
  • Biết giữ gìn vệ sinh trường, lớp, đồ dùng học tập,... trong thực hành, sáng tạo.
  • Trưng bày, giới thiệu và nêu cảm nhận về sản phẩm.

Toán

  • Thực hành đo đại lượng (thực hành đo độ dài bằng đơn vị cm)
  • Giải quyết được 1 số vấn đề thực tiễn liên quan đến việc đo độ dài.

I. Mục tiêu

  • Kể tên và mô tả được đặc điểm cơ bản của một số hiện tượng thiên tai xảy ra ở Việt Nam (bão, lũ lụt, hạn hán).
  • Liệt kê được một số rủi ro dẫn đến các thiệt hại về tính mạng con người và tài sản do thiên tai gây ra.
  • Xác định được nội dung chủ đề và lựa chọn vật liệu để thiết kế mô hình bè nổi cứu hộ đơn giản.
  • Giữ gìn được vệ sinh trường, lớp, đồ dùng học tập,... trong thực hành, sáng tạo.
  • Thử nghiệm, trưng bày, giới thiệu được sản phẩm mô hình bè nổi cứu hộ đơn giản.
  • Trao đổi, giúp đỡ nhau cùng thực hiện mô hình mô hình bè nổi cứu hộ đơn giản theo sự hướng dẫn của giáo viên.
  • Các thành viên trong nhóm thường xuyên hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.

II. Đồ dùng dạy học

Giáo viên chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cho mỗi nhóm như sau:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Que đè lưỡi 15 x 1,8 x 0,18 mm 12
2 Súng bắn keo 1
3 Keo nến 2
4 Kéo 18 cm 1
5 Ống hút lớn 10
6 Chai nhựa 500 ml 1
7 Bông gòn y tế 25g 1
8 Bịch nilon kích thước bất kì 1
9 Giấy bạc bọc thực phẩm 10 x 10 cm 1
10 Giấy foam loại 3 li: 15 x 15 cm 1
11 Cuộn giấy notes size 76 100 trang 1 (dùng chung)

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh xem đoạn video: “Cơn thịnh nộ của thiên nhiên” về 3 hiện tượng thiên tai đã từng xảy ra trong thực tế ở Việt Nam.

- Đại diện 1 - 2 học sinh xung phong để kể tên lại các hiện tượng thiên tai và hậu quả được nhắc đến trong đoạn video. Các bạn học sinh khác nhận xét và bổ sung.

- Học sinh tham gia trò chơi ghép nối tên hiện tượng thiên tai và đặc điểm tương ứng:

  • Giáo viên chia lớp thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 6 - 8 học sinh. Mỗi nhóm bầu nhóm trưởng và thư ký
  • Mỗi nhóm sẽ được phát 1 bộ flashcard bao gồm tên 3 hiện tượng thiên tai phổ biến ở Việt Nam (có hình ảnh minh họa) và 6 đặc điểm của các hiện tượng (2 đặc điểm chính/mỗi đặc điểm).
  • Các thành viên trong nhóm thảo luận trong thời gian 2 phút ghép nói tên hiện tượng và đặc điểm cho phù hợp.
  • Sau thời gian thảo luận, Giáo viên gọi ngẫu nhiên thành viên của các nhóm để ghép nối đặc điểm của từng hiện tượng thiên tai.

- Học sinh lắng nghe nội dung tổng kết về đặc điểm và hậu quả của một số hiện tượng thiên tai:

Bão: mưa to gió mạnh và sấm chớp.

Lũ lụt: nước dâng cao và sạt lở đất.

Hạn hán: nắng nóng kéo dài và đất nứt nẻ.

Các hiện tượng thiên tai gây nguy hiểm cho mùa màng, nhà cửa và con người.

- Học sinh lắng nghe thực trạng thiên tai ở Việt Nam: “Hằng năm, vào mùa mưa bão, mảnh đất miền Trung ruột thịt đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cơn lũ. Nước dâng cao không ngừng, hàng trăm ngàn hộ dân bị ngập trong nước. Đời sống người dân bị tàn phá, nhà cửa bị cuốn trôi, người dân rơi vào cảnh mắc kẹt ở vùng lũ không di chuyển được.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Với tinh thần tương thân tương ái, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các bạn hãy cùng nhau thiết kế mô hình bè nổi cứu hộ đơn giản để chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung nhé!”

b) Giao nhiệm vụ

- Các nhóm nhận nhiệm vụ thực hiện mô hình bè nổi cứu hộ đơn giản với các yêu cầu cụ thể:

    (1) Mô hình được thiết kế chắc chắn, không rời rạc.

    (2) Mô hình cân bằng/ổn định được trên mặt nước khi nước dâng.

    (3) Chiều dài và chiều rộng tối thiểu của bè nổi là 16 x 20 cm.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Học sinh trả lời câu hỏi: Trong các nguyên vật liệu sau, nguyên vật liệu nào có thể dùng để làm bè nổi?

- Học sinh sử dụng các nguyên vật liệu thử nghiệm được cung cấp cho các nhóm: que đè lưỡi, ống hút lớn, chai nhựa, bông gòn, bịch nilon, giấy bạc, giấy foam và 1 thau nước. Các nhóm thử nghiệm, tìm câu trả lời.

- Đại diện 2 - 3 nhóm trả lời. Sau đó, Giáo viên hỗ trợ học sinh nhận ra đặc điểm chung của nguyên vật liệu làm bè nổi: nhẹ để dễ nổi, không thấm nước.

- Học sinh trả lời một số câu hỏi định hướng thực hiện sản phẩm: Vật liệu nào được nhóm sử dụng để làm sàn bè nổi? Vì sao? Dự kiến số lượng là bao nhiêu?

- Các nhóm sử dụng 1 tờ giấy A3 để thảo luận trong thời gian 10 phút để trả lời câu hỏi và vẽ hình dáng sơ bộ của bè nổi.

- Các nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và chuẩn bị báo cáo nội dung thực hiện trong tờ giấy A3 vào tuần sau.

- Các nhóm nhận danh sách nguyên vật liệu do giáo viên chuẩn bị và cung cấp vào tiết sau. Các nhóm sẽ chuẩn bị thêm một số nguyên vật liệu khác để làm bè nổi và mang vào lớp ở tiết học sau.

- Đại diện mỗi nhóm giới thiệu phương án thực hiện sản phẩm trong 3 phút.

- Giáo viên ghi nhận và góp ý cho bản thiết kế của mỗi nhóm.

- Giáo viên dặn dò học sinh trước khi thực hiện sản phẩm:

    + Khâu sử dụng súng bắn keo sẽ do Giáo viên hỗ trợ.

    + Học sinh thiết kế, thử nghiệm và bảo quản sản phẩm của nhóm.

    + Dọn dẹp vệ sinh khu vực chế tạo, thử nghiệm sản phẩm của nhóm.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Học sinh nhận nguyên vật liệu được cung cấp bởi giáo viên.

- Các nhóm kết hợp nguyên vật liệu được cung cấp kết hợp với nguyên liệu học sinh đã chuẩn bị để thực hiện sản phẩm trong thời gian 10 phút.

- Sau khi thực hiện sản phẩm, các nhóm sẽ thử nghiệm hoạt động của mô hình bè nổi ở chậu nước trong trường hợp nước dâng cao. Các nhóm sẽ sử dụng chai nước 500ml (nước máy) đổ dần vào thau nước để thử nghiệm bè nổi khi nước dâng.

- Các nhóm điều chỉnh sản phẩm đảm bảo các tiêu chí sau giờ học (nếu có).

- Giáo viên quan sát và hỗ trợ các nhóm học sinh bằng cách giải đáp các câu hỏi phát sinh trong quá trình học sinh thực hiện chế tạo và thử nghiệm sản phẩm.

- Giáo viên dặn dò các nhóm hoàn thiện mô hình và mang theo triển lãm vào buổi học sau. Các mô hình sẽ được đặt trên các chậu nước.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Học sinh tham gia buổi triển lãm “Bè cứu hộ - Hướng về miền Trung”

    + Thành phần Ban Giám khảo: Giáo viên và tất cả các thành viên trong lớp.

    + Nội dung triển lãm: Mỗi nhóm sẽ có 1 thành viên đại diện trực gian hàng, Giáo viên và các thành viên khác tham quan các gian hàng. Ban Giám khảo có thể yêu cầu đại diện gian hàng trình bày ý tưởng thiết kế và thử nghiệm sản phẩm.

    + Dặn dò học sinh dọn dẹp vệ sinh sau thời gian triển lãm.

- Giáo viên và mỗi nhóm sẽ đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá và công bố giải thưởng “Bè cứu hộ an toàn nhất”.

- Học sinh lắng nghe tổng kết: “Mô hình bè nổi đơn giản là 1 trong những giải pháp hỗ trợ người dân trong thiên tai, tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế, mô hình sẽ phải điều chỉnh tính ổn định về cấu trúc, kích thước và thử nghiệm cẩn thận hơn”.

- Học sinh trả lời câu hỏi: “Hiện nay, thiên tai có xu hướng bất thường. Theo em, đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên?”

- Học sinh: “Vấn đề ô nhiễm môi trường”.

- Giáo viên tổng kết chủ đề: “Cơn lũ đồng bào miền Trung mỗi năm phải gánh chịu xuất phát 1 phần từ vấn đề ô nhiễm môi trường của chúng ta. Mỗi hành động giữ gìn môi trường sống của các em như bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa,... đều có ý nghĩa to lớn, góp phần giảm thiểu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường”.

IV. Phụ lục

1. Phiếu đánh giá chủ đề

STT TIêu chí Có/Không
Mô hình được thiết kế chắc chắn, không rời rạc.
Mô hình cân bằng/ổn định được trên mặt nước (khi nước dâng).
Chiều dài và chiều rộng tối thiểu của bè nổi là 16 x 20 cm.