Chủ đề STEM: Lịch để bàn

Môn học chủ đạo: Toán

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh có thể thực hành xem lịch, nhận biết được số ngày trong tháng và thực hành lắp ghép, tạo hình gắn với hình khối đơn giản.

Mô tả hoạt động trải nghiệm:
  • Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện cho học sinh nhận biết số ngày trong tháng, thực hành lắp ghép, tạo hình gắn với những hình khối đã học để tạo ra lịch để bàn.
  • Bên cạnh đó, hoạt động làm “lịch để bàn” tạo cơ hội cho học sinh sáng tạo trong việc sử dụng màu sắc và các hình, khối để tạo nên những sản phẩm độc đáo.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Nội dung tích hợp

Toán

  • Nhận biết được số ngày trong tháng.
  • Thực hành xem lịch.
  • Thực hành lắp ghép, tạo hình gắn với hình khối đã học (khối trụ tam giác).
  • Giải quyết được vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến hình khối đã học (sử dụng khối trụ tam giác để làm giá đỡ cho tờ lịch).
  • Thực hành xác định, sắp xếp thời gian biểu học tập và sinh hoạt của cá nhân trong tháng.

Mĩ thuật

  • Tạo được sản phẩm có dạng hình, khối cơ bản.
  • Sử dụng được các màu đậm, màu nhạt một cách sáng tạo trong sản phẩm.
  • Trưng bày, giới thiệu, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.

I. Mục tiêu

  • Xác định được số ngày trong tháng.
  • Xác định một số ngày quan trọng trong tháng, cụ thể là ngày sinh nhật của các bạn trong nhóm.
  • Lắp ghép, tạo hình được khối trụ tam giác để làm giá đỡ cho cho lịch cá nhân để bàn.
  • Phát biểu được nhiệm vụ của nhóm, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ các thành viên trong nhóm cùng hoàn thành nhiệm vụ của nhóm.
  • Giới thiệu, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm theo tiêu chí.
  • Tự giác hoàn thành những yêu cầu, nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn và đúng thời gian quy định.
  • Mạnh dạn trình bày ý kiến, đưa ra nhận xét về sản phẩm học tập của mình và của các bạn.
  • Có ý thức giữ gìn và bảo quản tốt nguyên vật liệu của nhóm và đồ dùng học tập của cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động nhóm.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Còng kim loại 3 cái/nhóm
2 12 tờ lịch 12 tháng (đã được bấm sẵn 2 lỗ) 1 bộ/nhóm Xem phụ lục 1
3 Giấy A5 (đã được bấm 2 lỗ theo chiều ngang) 1 tờ/nhóm
4 Bìa lót vở học sinh (Giáo viên sẽ tạo hình trụ tam giác) 1 cái/nhóm

Xem phụ lục 2

5 Bộ dán sticker 2 sticker/học sinh
6 Phiếu đánh giá 1 tờ/Giáo viên
7 Phiếu học tập 1 1 tờ/nhóm

2. Chuẩn bị của học sinh

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Băng keo hai mặt, kéo 1 bộ/học sinh
2 Bút màu 1 bộ/học sinh

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh giải quyết tình huống có vấn đề về lí do cần sử dụng lịch cá nhân để bàn bằng cách cho học sinh xem video “Ngày chủ nhật đáng nhớ” (Học liệu số 1).

- Học sinh thảo luận theo nhóm đôi về nội dung câu chuyện trong video:

  • Chủ nhật tuần sau, các bạn có việc gì quan trọng?
  • Chuyện gì đã xảy ra với Minh?
  • Minh có bỏ lỡ cuộc thi bóng đá ở trường không?
  • Làm thế nào để chúng ta có thể ghi nhớ được những công việc quan trọng?

- Đại diện 1-2 nhóm trả lời các câu hỏi trên.

- Học sinh lắng nghe dẫn dắt: “Có rất nhiều công việc quan trọng trong học tập và trong cuộc sống mà nếu chúng ta quên lịch sẽ ảnh hưởng không chỉ bản thân mình mà có thể ảnh hưởng đến gia đình hoặc cả lớp. Vì vậy, hôm nay các nhóm sẽ tự tạo lịch để bàn để đánh dấu và ghi nhớ những công việc quan trọng với các yêu cầu sau:

    + Lịch có khung đỡ dạng khối trụ tam giác, bao gồm 1 tờ bìa và 12 tháng được sắp xếp đúng thứ tự.

    + Bìa lịch có các thông tin:

    • Tên nhóm
    • Năm
    • Trang trí bằng các hình ảnh có màu đậm và màu nhạt một cách sáng tạo.

    + Có đánh dấu ngày sinh nhật của các thành viên trong nhóm và vẽ một số hình đơn giản theo sở thích của mỗi thành viên.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Học sinh sử dụng lịch cá nhân để bàn đã chuẩn bị sẵn và thảo luận nhóm 4 học sinh cho biết một tờ lịch tháng gồm những phần nào.

- Đại diện 1 -2 nhóm chia sẻ trước lớp và lắng nghe ý kiến bổ sung của nhóm khác.

- Học sinh lắng nghe nội dung thông tin: “Trên một tờ lịch thường có năm, tháng, ngày và thứ. Đồng thời người ta cũng có thể in các hình ảnh như phong cảnh, thiên nhiên, …”.

- Giáo viên tổ chức hoạt động củng cố kiến thức về ngày trong tháng và thực hành xem lịch cho học sinh : Giáo viên phát Phiếu học tập 1 cho các nhóm và yêu cầu điền các ngày còn thiếu vào trong mỗi tháng. Các nhóm thảo luận, điền các ngày vào lịch và giáo viên mời 1 nhóm báo cáo kết quả của nhóm trước lớp. Các nhóm khác bổ sung nếu cần.

- Học sinh lắng nghe nội dung phân tích của giáo viên; các nhóm điều chỉnh, bổ sung kết quả nếu chưa chính xác.

- Học sinh xem lịch và trả lời một số câu hỏi:

    + Ngày 31 tháng 12 năm 2022 là thứ mấy?

    + Nếu thứ hai tuần này là ngày 14 tháng 02 năm 2022 thì thứ hai tuần sau là ngày nào?

- Các nhóm hoàn thành Phiếu học tập 2.

- Học sinh lắng nghe kết quả trình bày của đại diện 1-2 nhóm, bổ sung thông tin. Các nhóm điều chỉnh, bổ sung nội dung cho câu trả lời (nếu nhóm mình trả lời thiếu hoặc chưa chính xác).

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Các nhóm thực hiện sản phẩm trình tự:

- Học sinh nghe giới thiệu về nguyên vật liệu cho các nhóm và vẽ bản thiết kế/vẽ minh hoạ hình lịch để bàn của nhóm theo các yêu cầu đã nêu ở hoạt động 1.

- Học sinh nhận nguyên vật liệu tiến hành làm lịch để bàn cho các nhóm.

- Các nhóm dựa vào nội dung ở Phiếu học tập 1 và 2 để xây dựng ý tưởng thiết kế lịch cá nhân để bàn của nhóm.

- Giáo viên nhắc các nhóm chú ý bổ sung phần trang trí và chú ý độ đậm nhạt của màu sắc.

- Các nhóm tiến hành thực hiện làm sản phẩm lịch để bàn của nhóm theo phương án thiết kế.

- Giáo viên nhắc các nhóm xem sản phẩm của nhóm mình đã đáp ứng các yêu cầu của giáo viên chưa. Giáo viên quan sát, hỗ trợ học sinh khi cần thiết.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Các nhóm học sinh lắng nghe quy trình trình bày và cách đánh giá sản phẩm lịch để bàn từ giáo viên như sau:

    + Ở mỗi nhóm, 1 học sinh sẽ đứng tại nhóm của mình để giải đáp các câu hỏi từ giáo viên và các bạn khác về sản phẩm của mình với một số câu hỏi gợi ý:

    • Nhóm bạn đã trang trí bìa lịch như thế nào?
    • Nhóm bạn đã đánh dấu ngày sinh nhật trên lịch của mình bằng những hình ảnh gì? Vì sao bạn lại chọn hình ảnh đó?

    + Các thành viên còn lại của nhóm sẽ đi xung quanh quan sát sản phẩm của các nhóm khác. Mỗi học sinh sẽ sử dụng 2 sticker mặt cười để lựa chọn hai sản phẩm mà mình yêu thích nhất.

- Học sinh trả lời một số câu hỏi mở rộng:

    + Nếu có thêm thời gian và được lựa chọn nguyên vật liệu thì nhóm em có điều chỉnh/bổ sung gì không?

    + Nếu không yêu cầu lịch có hình trụ tam giác thì nhóm em có đề xuất làm lịch hình gì? thay đổi hình dạng như thế nào?

    + Giáo viên tiến hành đánh giá sản phẩm các nhóm dựa theo tiêu chí đã nêu.

    + Giáo viên nhận xét chung, khen ngợi nhóm được nhiều stickers và động viên, khuyến khích các nhóm khác.

    + Giáo viên chốt lại các nội dung quan trọng của chủ đề, đặc biệt là phần các phần của lịch, cách xem ngày tháng và cách đánh dấu các ngày quan trọng.

IV. Phụ lục

1. 12 tờ lịch 12 tháng

- Yêu cầu: Được in trên giấy A4, cắt rời mỗi tờ lịch theo từng tháng, bấm lỗ ở đầu mỗi tờ lịch theo vị trí có sẵn.

- Nhiệm vụ: Điền các ngày còn thiếu vào trong mỗi tháng.

2. Phiếu học tập 2 - Ý tưởng thiết kế lịch cá nhân để bàn

3. Phiếu đánh giá

3.1 Phiếu đánh giá sản phẩm

Tiêu chí Mức độ
Tốt Đạt Chưa đạt
Lịch có khung đỡ dạng khối trụ tam giác
Lịch bao gồm 1 tờ bìa và 12 tháng được sắp xếp đúng thứ tự
Bìa lịch có các thông tin: Tên nhóm; Năm
Trang trí bằng các hình ảnh có màu đậm và màu nhạt một cách sáng tạo.
Có đánh dấu ngày sinh nhật của các thành viên trong nhóm và vẽ một số hình đơn giản theo sở thích của mỗi thành viên
Trao đổi tốt trong nhóm, trình bày tốt sản phẩm lịch cá nhân để bàn.

3.2 Phiếu đánh giá làm việc nhóm

Tiêu chí Mức độ
Tốt Đạt Chưa đạt
Nhận biết được nhiệm vụ nhóm
Trao đổi, thảo luận tốt với các thành viên trong nhóm
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác
Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Bảo quản tốt nguyên vật liệu của nhóm

4. Sản phẩm minh họa