Chủ đề STEM: Hộp bút đa năng

Môn học chủ đạo: Toán

Thời lượng: 3 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình gắn với một số hình phẳng và hình khối đã học.

Mô tả bài học:

- Nội dung môn Toán lớp 2 có yêu cầu cần đạt như sau:

  • Nhận dạng được khối trụ, khối cầu thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
  • Nhận biết và thực hiện được việc gấp, cắt, ghép, xếp và tạo hình gắn với việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

Để đạt được các yêu cầu này, trong bài học STEM “Hộp bút đa năng”, học sinh sẽ hoàn thành một chiếc “hộp đựng bút” để nhận dạng được khối trụ và khối cầu cũng như thực hiện việc gấp, cắt, ghép các khối để tạo thành những sàn phẩm sáng tạo theo sở thích cá nhân.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo
Môn học tích hợp

Toán

  • Nhận dạng được khối trụ, khối cầu thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
  • Nhận biết và thực hiện được việc gấp, cắt, ghép, xếp và tạo hình gắn với việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

Hoạt động trải nghiệm

  • Hoạt động khám phá và rèn luyện bản thân
  • Thể hiện được sự khéo léo, cẩn thận của bản thân qua sản phẩm tự làm.
  • Biết sắp xếp đồ dùng học tập cá nhân ngăn nắp, gọn gàng.

Mĩ thuật

  • Sử dụng hình, màu, vật liệu phù hợp để sáng tạo và trang trí cho sản phẩm.
  • Tạo được sản phẩm có dạng hình, khối cơ bản.

I. Yêu cầu cần đạt (của bài học)

  • Phân biệt được khối trụ, khối cầu thông qua các đồ dùng, dụng cụ học tập.
  • Thực hiện được việc đo, cắt, ghép các hình trụ lại với nhau để tạo sản phẩm học tập Hộp đựng bút.
  • Vẽ được các hình khác nhau với màu sắc sáng tạo để trang trí sản phẩm.
  • Phối hợp màu sắc độc đáo giữa màu đậm và màu nhạt.
  • Tích cực, chủ động đóng góp ý kiến để hoàn thiện sản phẩm của cá nhân và các bạn cùng tham gia.
  • Cẩn thận trong tiến hành đo các kích thước và trong thao tác làm sản phẩm.
  • Ý thức trong việc thu xếp đồ dùng học tập ngăn nắp, gọn gàng.
  • Thể hiện sự khéo léo trong việc cắt, xé, dán để thực hiện sản phẩm.
  • Giữ gìn vệ sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.

II. Đồ dùng dạy học

Giáo viên chuẩn bị sẵn một số dụng cụ cho mỗi nhóm như sau:

STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Lõi giấy vệ sinh có độ dày khác nhau (0,5-2 mm) 3 lõi
2 Kéo 12cm 1 cái
3 Bút chì 1 cái
4 Thước kẻ 20cm 1 cái
5 Tấm bìa carton A5 1 tấm

Ngoài ra, giáo viên chuẩn bị thêm một số đồ dùng để trang trí và cho phép các nhóm học sinh lựa chọn nguyên vật liệu cần dùng. Ví dụ: giấy màu, bút màu, màu nước + cọ vẽ, bom bom trang trí, dây băng rôn, hình dán, ...

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ (4 - 5 học sinh/nhóm) theo tổ hoặc ngẫu nhiên.

- Học sinh nhận nhiệm vụ “Tạp hóa học tập” với yêu cầu sưu tầm các loại đồ dùng học tập, một loại có nhiều kích thước khác nhau (bút viết, tẩy, thước, bút màu, ...).

- Các nhóm học sinh thực hiện nhiệm vụ trong vòng 2 phút. Sau đó trưng bày các đồ vật vừa sưu tầm được để lên bàn.

Lưu ý: Giáo viên dặn dò học sinh nhớ đồ dùng học tập cá nhân đã cho nhóm mượn để sau khi kết thúc bài học có thể lấy về, tránh thất lạc.

- Đại diện 1-2 nhóm học sinh liệt kê các đồ dùng học tập có kích thước khác nhau mà nhóm đã sưu tầm được.

- Học sinh lắng nghe giáo viên chốt lại: Các em có rất nhiều loại đồ dùng học tập khác nhau như bút, thước, tẩy, ... Nếu bày hết các đồ dùng này trên bàn mà không có đồ đựng sẽ rất lộn xộn, khó để tìm kiếm và dễ thất lạc. Làm thế nào để các em có thể sắp xếp các đồ dùng học tập này một cách gọn gàng để khi cần dùng là có ngay mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm?

- Giáo viên mời 2-3 học sinh trả lời.

- Học sinh xem video Học liệu số 1 “Chớp Chớp hậu đậu” nhằm ý thức việc sắp xếp gọn gàng đồ dùng học tập.

- Học sinh thảo luận theo nhóm đôi (2 bạn cùng bàn) để trả lời các câu hỏi liên quan đến video như sau:

  • Vì sao Chớp Chớp buồn?
  • Chuyện gì đã xảy ra khi Chớp Chớp đang ngủ?
  • Chớp Chớp đã làm gì sau khi tỉnh dậy?
  • Vì sao Chớp Chớp được cô giáo và các bạn khen?

- Giáo viên gọi đại diện 1-2 nhóm học sinh trả lời.

b) Giao nhiệm vụ

- Học sinh lắng nghe thông điệp từ video và nhận nhiệm vụ cho mỗi nhóm: Làm một chiếc hộp đựng bút để có thể đựng được các đồ dùng học tập khác nhau trong “Tạp hóa học tập” một cách gọn gàng chỉ từ nguyên vật liệu chính là lõi giấy vệ sinh. Để có được các vật liệu trang trí, học sinh sẽ phải thực hiện thử thách ở các hoạt động sau.

- Yêu cầu của sản phẩm Hộp bút đa năng như sau:

  • Hộp đựng có ít nhất 3 ống đựng để phân loại đồ dùng học tập (theo chiều dài/chiều cao).
  • Có thể nhìn thấy các dụng cụ học tập chứa bên trong mỗi ống đựng bút.
  • Hộp đựng có thể di chuyển được dễ dàng.
  • Hộp đựng được vẽ trang trí và kết hợp sáng tạo giữa màu đậm và màu nhạt.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

  • Các mê cung (tương ứng với số nhóm học sinh) chứa các hình ảnh là chướng ngại vật có hình khối trụ (ví dụ: hồ dán khô, mô hình quả địa cầu, quả bóng đá, lon sữa, bình hoa, quả bóng bàn, cái trống, khúc gỗ,...).
  • Các bảng tên ghi “ “Khối trụ”, “khối cầu”.
  • Các nguyên vật liệu trang trí.

- Giáo viên giới thiệu hình ảnh của khối trụ.

- Học sinh nghe giới thiệu các nguyên vật liệu trang trí. Mỗi vật liệu tương ứng với số ngôi sao cần có để lấy được vật liệu đó.

Tên nguyên vật liệu Số ngôi sao
1 Hình dán 1
1 Đoạn dây băng rôn 50 cm 1
1 Bom bom trang trí 1
1 Giấy màu 2
1 Hộp bút màu 5
1 Hộp màu nước + cọ vẽ 5

- Các nhóm học sinh thu gom ngôi sao bằng cách tham gia thử thách “Mê cung hình học” với luật chơi như sau:

  • Mỗi nhóm chọn một mê cung bất kì. Thực hiện trong vòng 5 phút.
  • Các nhóm tìm đường thoát ra khỏi mê cung, mỗi chặng đường sẽ phải vượt chướng ngại vật bằng cách trả lời câu hỏi “Chướng ngại vật đó có hình khối gì?”.
  • Mỗi chướng ngại vật vượt qua sẽ được 1 ngôi sao.

Hình ảnh mê cung minh họa

- Học sinh nghe chốt lại hình khối của các chướng ngại vật và tổng kết lại số ngôi sao mà nhóm nhận được.

- Các nhóm lựa chọn nguyên vật liệu trang trí tương ứng với số lượng ngôi sao nhận được từ thử thách.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Các nhóm thảo luận về phương án làm sản phẩm và vẽ phác hoạ sản phẩm vào Phiếu học tập với các nội dung sau:

  • (1) Vẽ minh họa sản phẩm hộp đứng bút mà nhóm muốn thực hiện. Ghi rõ chiều cao của mỗi ống đựng.
  • (2) Nguyên vật liệu mà nhóm sử dụng để trang trí.
  • (3) Các bước làm ống đựng bút.

Lưu ý: Thảo luận nhóm chỉ đủ nghe trong nhóm, không làm ảnh hưởng đến các nhóm khác.

- Các nhóm học sinh nhận nguyên vật liệu được cung cấp.

- Học sinh lắng nghe một số câu hỏi gợi ý:

  • Dựa vào chiều cao của lõi giấy, phân loại đồ dùng như thế nào?(Đo chiều dài của các đồ dùng, lấy chiều cao của lõi giấy 10 cm làm chuẩn, phân chia thành 3 loại: lớn hơn 10 cm, nhỏ hơn 10 cm, nhỏ hơn 5 cm - tẩy, gọt bút chì).
  • Làm thế nào để cắt lõi giấy làm ống đựng nhưng vẫn giữ được hình trụ của lõi? (Làm xẹp lõi giấy, kẻ một đường thẳng theo chiều ngang của lõi, cắt theo đường thẳng và nắn lại để lõi giấy có hình trụ ban đầu).
  • Chiều cao của ống đựng như thế nào để có thể thấy được các đồ dùng chứa bên trong? (Chiều cao ống đựng nhỏ hơn chiều dài của đồ dùng chứa bên trong).
  • Làm đáy của ống đựng như thế nào để ống đựng không bị đổ và dễ dàng di chuyển? (Dán chắc chắn ống đựng vào bìa carton).
  • Sử dụng vật liệu nào để cố định ống đựng vào bìa carton và những lưu ý gì khi sử dụng vật liệu đó? (Sử dụng keo sữa, vừa dán vừa dùng tay nhấn giữ ống đựng vào bìa carton đến khi keo khô lại).

- Giáo viên nhắc lại yêu cầu sản phẩm trước khi các nhóm tiến hành thảo luận.

- Đại diện 2 nhóm giới thiệu bản thiết kế, mỗi nhóm trình bày trong vòng 3 phút với các nội dung sau: Hình dạng, kích thước, nguyên vật liệu, các bước làm hộp đựng bút.

- Các nhóm khác lắng nghe, và nhận xét cho nhóm bạn.

- Giáo viên góp ý và giải đáp một số thắc mắc của học sinh (nếu có).

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Học sinh lắng nghe tiến trình hoạt động chế tạo và thử nghiệm sản phẩm:

  • Các thành viên trong nhóm làm sản phẩm theo phương án thiết kế của nhóm.
  • Khi hết thời gian làm sản phẩm giáo viên sẽ rung chuông. Các nhóm có 1 phút để thu gọn sạch sẽ khu vực làm việc.

- Các nhóm học sinh tiến hành chế tạo và thử nghiệm sản phẩm bằng cách sắp xếp các đồ dùng trong “Tạp hóa học tập” vào hộp đựng bút.

- Các nhóm học sinh thực hiện nhiệm vụ trong 30 phút theo bản thiết kế đã được góp ý hoặc chỉnh sửa so với bản thiết kế ban đầu nhưng có kèm lý giải cho sự thay đổi đó. Ghi chú lại điều chỉnh này trong Phiếu học tập.

- Giáo viên quan sát và hỗ trợ các nhóm học sinh bằng cách giải đáp các câu hỏi phát sinh trong quá trình học sinh thực hiện chế tạo sản phẩm.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Học sinh lắng nghe quy trình hoạt động báo cáo sản phẩm:

    + Các nhóm cử đại diện 1 học sinh cầm sản phẩm có đựng sẵn “Tạp hóa học tập” và lên bảng để trưng bày.

    + Đại diện 1 - 2 nhóm học sinh giới thiệu sản phẩm trong 2 phút với các yêu cầu sau:

    • Giới thiệu hộp đựng bút: nguyên vật liệu, chiều cao của mỗi ống đựng.
    • Chia sẻ những điều chỉnh so với bản thiết kế (kèm giải thích cho sự điều chỉnh đó) và cảm nhận về quá trình làm sản phẩm.
    • Nội dung trình bày đầy đủ, ngắn gọn và thu hút người nghe.

- Các nhóm bình chọn sản phẩm của các nhóm khác bằng cách tặng ngôi sao. Mỗi nhóm học sinh được 2 ngôi sao để tặng cho nhóm khác.

- Giáo viên lưu ý học sinh việc bình chọn phải công bằng và đặc biệt cần chú ý đến yêu cầu của sản phẩm.

- Đại diện nhóm tiến hành báo cáo và cả lớp tham gia bình chọn sản phẩm yêu thích theo sự hướng dẫn của Giáo viên.

- Giáo viên nhận xét chung, tuyên dương nhóm được nhiều ngôi sao bình chọn nhất.

- Học sinh xem video Học liệu số 2 “Hướng dẫn làm hộp đựng bút” để chốt lại một số bước mà học sinh cần chú ý.

- Giáo viên tổng kết số lượng ngôi sao của mỗi nhóm và trao thưởng cho nhóm chiến thắng là nhóm có nhiều ngôi sao nhất.

- Giáo viên tổng kết chủ đề và nhắc lại cho học sinh về việc sắp xếp đồ dùng học tập gọn gàng và ngăn nắp.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

PHIẾU HỌC TẬP

Hướng dẫn thực hiện

Các em thảo luận nhóm với các nội dung sau đây:

    1) Vẽ minh họa sản phẩm hộp đựng bút mà nhóm em muốn thực hiện.

    2) Nêu rõ kích thước của hộp đựng bút (chiều cao mỗi ống đựng).

    3) Ghi chú nguyên vật liệu cần sử dụng để trang trí hộp đựng bút.

    4) Các bước làm hộp đựng bút.

Nhóm em có điều chỉnh nào khác so với bản thiết kế? Giải thích cho sự điều chỉnh đó.

2. Phiếu đánh giá của giáo viên

Tiêu chí Các mức độ
Chưa đạt Đạt Chưa đạt
Phân loại được các đồ dùng học tập theo chiều dài/chiều cao.
Hộp đựng có ít nhất 3 ống đựng để đựng các loại đồ dùng học tập với kích thước khác nhau.
Nhìn thấy được các đồ dùng chứa bên trong mỗi ống đựng bút.
Hộp đựng được di chuyển dễ dàng mà không bị đổ đồ dùng chứa bên trong.
Hộp đựng được vẽ trang trí và kết hợp sáng tạo giữa màu đậm và màu nhạt.