Chủ đề STEM: Cuộc đời của một chú bướm

Môn học chủ đạo: Khoa học

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy nội dung Sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật trong môn Khoa học.

Mô tả bài học

Nội dung Sự lớn lên và phát triển của thực vật và động vật của môn Khoa học có một số yêu cầu cần đạt như sau:

  • Sử dụng sơ đồ đã cho, ghi chú được vòng đời của một số động vật đẻ trứng;
  • Trình bày được sự lớn lên của con non nở ra từ trứng.

Để đạt được các yêu cầu này, trong bài học STEM Cuộc đời của một chú bướm , học sinh sẽ sử dụng một số vật liệu thủ công để chế tạo mô hình 3D minh hoạ cho chu trình phát triển của bướm.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo
Môn học tích hợp

Khoa học

  • Sử dụng sơ đồ đã cho, ghi chú được vòng đời của một số động vật đẻ trứng;
  • Trình bày được sự lớn lên của con non nở ra từ trứng.

Toán (Vận dụng)

  • Vẽ được các hình phẳng (hình tròn, hình vuông, hình thang…)

Mĩ thuật (Vận dụng)

  • Phối hợp được một số kĩ năng: cắt, dán, xếp, gắn, vẽ,… (trong thực hành sáng tạo sản phẩm mĩ thuật 3D).

I. Yêu cầu cần đạt (của bài học)

  • Nêu được tên của một số động vật đẻ trứng.
  • Sử dụng sơ đồ đã cho, ghi chú được vòng đời của một số động vật đẻ trứng.
  • Trình bày được sự lớn lên của con non nở ra từ trứng.
  • Trình bày được chu trình phát triển (vòng đời) của bướm.
  • Vẽ được các hình phẳng (hình tròn, hình vuông, hình thang,…) để tạo thành khung mô hình.
  • Phối hợp được một số kĩ năng: cắt, dán, xếp, gắn, vẽ,… để thực hiện mô hình về chu trình phát triển của bướm.
  • Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm.
  • Chăm chỉ thực hiện, quan sát, ghi chép chu trình sinh sản của bướm

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

- Clip chu trình sinh sản của bướm.

- Phiếu giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh thực hiện, ghi chép

STT Dụng cụ/vật liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Giấy A4 2 tờ/nhóm
2 Bìa cứng A4 5 tờ/nhóm
3 Giấy màu thủ công A5 10 tờ/nhóm
4 Bút lông 1 cây/nhóm
5 Bút màu sáp 1 hộp/nhóm
6 Bút chì 2 cây/nhóm
7 Compa 1 cây/nhóm
8 Kéo học sinh 2 cây/nhóm
9 Băng keo 2 mặt 1 cuộn/nhóm
10 Hồ dán 1 lọ/nhóm

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

Hoạt động chuẩn bị trước khi thực hiện bài dạy:

- Trước bài dạy 1 tuần, giáo viên hướng dẫn học sinh chuẩn bị vật liệu cho bài học như trong Phiếu học tập số 1.

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Khởi động

- Học sinh trả lời một số câu đố vui: “Con gì bơi lượn giỏi nhanh? Con gì đi dọc lại thành đi ngang? Con gì khiêu vũ giỏi giang? Con gì đi, đứng, nằm hang cứ ngồi?” (Đáp án: con cá, con cua, con công, con cóc).

- Học sinh được yêu cầu nêu ra đặc điểm chung của 4 loài động vật này và lấy thêm các ví dụ về các loài động vật đẻ trứng.

- Giáo viên đặt vấn đề: “Một con sâu xấu xí đã phải cực khổ trải qua những giai đoạn phát triển nào để trở thành một con bướm đẹp với vô vàn màu sắc như vậy? Làm sao để kể về cuộc đời của một chú bướm một cách sinh động nhất?”

- Học sinh tiếp nhận nhiệm vụ mới cho bài học là cùng thiết kế và chế tạo mô hình về chu trình phát triển (vòng đời) của bướm.

b) Giao nhiệm vụ

- Học sinh ghi nhận nhiệm vụ thực hiện mô hình về chu trình phát triển (vòng đời) của bướm với các yêu cầu cụ thể vào vở:

    + Mô hình biểu diễn đúng trình tự các giai đoạn phát triển trong vòng đời của bướm.

    + Hình ảnh minh hoạ các giai đoạn phát triển của bướm được cắt, dán hay vẽ có sự cân đối về kích thước.

    + Màu sắc mô hình sống động.

    + Có các chú thích làm rõ các chi tiết trong mô hình.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

* Tìm hiểu về vòng đời của một số loài động vật đẻ trứng

- Học sinh được chia thành các nhóm 4-5 học sinh/nhóm bằng cách chọn thẻ màu hoặc đếm số. Học sinh di chuyển về nhóm bầu trưởng nhóm, thư kí.

- Học sinh xem hình chu trình phát triển (vòng đời) của gián và ếch, thảo luận nhóm và chú thích tên các giai đoạn phát triển trong vòng đời của hai loài này.

- 2 nhóm học sinh được mời ngẫu nhiên để chia sẻ kết quả hoạt động nhóm. Các nhóm khác nêu ý kiến bổ sung cho nhóm báo cáo.

**Nội dung báo cáo và chia sẻ

(1) Mô tả những diễn biến trong vòng đời của gián từ trứng đến con trưởng thành.

(2) Mô tả những diễn biến trong vòng đời của ếch từ trứng đến con trưởng thành.

- Học sinh được giáo viên tổng kết các kiến thức trọng tâm về vòng đời của một số loài động vật đẻ trứng.

    + Vòng đời của gián trải qua 3 giai đoạn: trứng, ấu trùng (gián con) và con trưởng thành. Gián đẻ trứng ở nơi ẩm ướt; trứng gián sau vài tuần sẽ nở thành ấu trùng (gián con); ấu trùng lột xác nhiều lần sau vài tháng để lớn lên thành con trưởng thành.

    + Vòng đời của ếch trải qua các giai đoạn: trứng, nòng nọc, ếch con và ếch trưởng thành. Ếch cái đẻ trứng xuống nước; trứng ếch được thụ tinh sẽ nở thành nòng nọc; nòng nọc mọc chân và trở thành ếch con; ếch con đứt đuôi và trở thành ếch trưởng thành.

* Tìm hiểu về vòng đời của bướm

- Học sinh xem clip về chu trình phát triển (vòng đời) của bướm và ghi chép nhanh đặc điểm các giai đoạn phát triển trong chu trình.

- Một số học sinh được mời ngẫu nhiên để trình bày ý kiến. Giáo viên ghi lại ý chính của các ý kiến lên bảng.

- Giáo viên lần lượt đặt các câu hỏi để học sinh trao đổi, thảo luận:

    + Vòng đời của bướm trải qua mấy giai đoạn? Đó là những giai đoạn nào?

    + Ở mỗi giai đoạn, bướm sẽ làm gì để cơ thể bướm phát triển cho giai đoạn tiếp theo?

    + Chu trình phát triển của bướm giống với chu trình phát triển của gián hay ếch? Vì sao?

- Học sinh được giáo viên tổng kết các kiến thức trọng tâm về chu trình phát triển của bướm như sau:

+ Vòng đời của bướm trải qua 4 giai đoạn : Trứng - sâu - nhộng - bướm. Bướm đẻ trứng trên lá; trứng nở ra sâu bướm; sâu bướm lột xác nhiều lần rồi tạo kén, trở thành nhộng; nhộng ở trong kén lột xác trở thành bướm; bướm chui ra khỏi kén và tiếp tục vòng đời của mình.

3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

- Học sinh xem mô hình chu trình phát triển của bướm, thảo luận nhóm và ghi lại nội dung theo hướng dẫn trong Phiếu học tập số 2.

- 2 nhóm học sinh được mời ngẫu nhiên để báo cáo cách làm mô hình của nhóm trước lớp theo Phiếu học tập số 2.

- Học sinh lắng nghe ý kiến nhận xét của giáo viên về ý tưởng thực hiện mô hình.

- Học sinh ghi lại các ý kiến đóng góp, chú ý của giáo viên vào phiếu; sau đó thảo luận nhóm nhanh thống nhất cách làm của nhóm.

Lưu ý: Do hạn chế về thời gian để tất cả các nhóm có thể trình bày được ý tưởng thiết kế, giáo viên góp ý, hỗ trợ điều chỉnh cho các nhóm học sinh có khó khăn trong quá trình thực hiện.

- Học sinh có thể hoàn thiện thiết kế mô hình chu trình phát triển của bướm của nhóm và ghi lại các thay đổi về thiết kế so với ý tưởng ban đầu, giải thích lí do vì sao thay đổi thiết kế.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

- Giáo viên nhắc lại các tiêu chí đánh giá sản phẩm.

- Học sinh thực hiện làm mô hình và ghi chép quá trình thực hiện.

- Giáo viên theo dõi, trợ giúp trong quá trình thực hiện mô hình.

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

- Giáo viên sử dụng kĩ thuật phòng tranh tổ chức cho các nhóm trưng bày mô hình, có dán kèm các bước thực hiện mô hình của nhóm.

- Học sinh được hướng dẫn tham quan kết quả của các nhóm và đánh giá trong 10 phút:

    + Khi tham quan phải so sánh kết quả các câu trả lời của nhóm bạn với nhóm mình.

    + Đánh giá mô hình nhóm bạn bằng cách bình chọn theo hướng dẫn trong phiếu đánh giá, đánh giá theo nhóm.

- Giáo viên có thể đặt một số câu hỏi để thảo luận chung:

    + Bướm có lợi ích gì hay gây hại gì đối với con người và tự nhiên?

    + Trong trồng trọt, để giảm thiệt hại do sâu bướm hay các loại côn trùng gây ra đối với cây trồng, người ta thường tác động vào giai đoạn nào trong vòng đời của bướm? Vì sao?

- Học sinh được giáo viên chốt các kiến thức mở rộng về vai trò của bướm như sau:

    + Bướm có vai trò thụ phấn tự nhiên cho hoa, góp phần hình thành quả và hạt với năng suất cao hơn.

    + Tuy nhiên, sâu bướm lại phá hoại cây trồng vì sâu bướm thường ăn các lá non để phát triển và tốc độ phát triển của chúng rất nhanh, thức ăn của chúng cũng rất phong phú như bắp cải, cải xanh, cà chua, dưa chuột,…

    + Để giảm thiệt hại do sâu bướm gây ra, người ta thường bắt trứng bướm hay phun thuốc trừ sâu.

- Giáo viên nhận xét đánh giá kết quả các nhóm, tổng hợp kết quả đánh giá của từng nhóm bằng cách đếm sao.

IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ VẬT LIỆU

(chuẩn bị theo nhóm)

CHUẨN BỊ CÁC VẬT LIỆU ĐỂ LÀM MÔ HÌNH:

+ 5 tờ bìa cứng hình chữ nhật khổ A4

+ 2 tờ giấy khổ A4

+ 10 tờ giấy màu thủ công khổ A5

+ 1 hộp bút màu

+ 1 chai hồ/ 1 cuộn băng keo 2 mặt

+ 2 cây kéo

+ 1 cây bút lông

+ 2 bút chì

+ 1 compa

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2

SUY NGHĨ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC

Từng học sinh suy nghĩ và trả lời các câu hỏi trong 5 phút.

Nhóm trưởng mời các thành viên lần lượt trả lời từng câu hỏi, các thành viên khác góp ý, thống nhất câu trả lời vào phiếu.

NỘI DUNG TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA NHÓM

Câu 1:Vòng đời của bướm gồm mấy giai đoạn?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 2:Ở mỗi giai đoạn, bướm sẽ làm gì để cơ thể bướm phát triển cho giai đoạn tiếp theo?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 3:Bướm có lợi ích đối với con người và tự nhiên?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 4:Cần quan sát và chuẩn bị các vật dụng nào để làm mô hình?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 5:Những ai tham gia làm mô hình?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 6:Mô hình sẽ được thiết kế dưới dạng hình thức nào?

2. Phiếu đánh giá

PHIẾU TỔNG HỢP KẾT QUẢ CỦA NHÓM

Hãy vẽ hình mặt cười nếu sản phẩm đạt tiêu chí hoặc hình mặt buồn nếu sản phẩm chưa đạt.

Nội dung Đạt/Không đạt
Mô hình biểu diễn đúng trình tự các giai đoạn phát triển trong vòng đời của bướm.
Hình ảnh minh hoạ các giai đoạn phát triển của bướm được cắt, dán hay vẽ có sự cân đối về kích thước.
Màu sắc mô hình sống động.
Có các chú thích làm rõ các chi tiết trong mô hình.

3. Sản phẩm minh họa