Chủ đề STEM: Công viên nổi

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh đã có thể đọc, viết được câu ngắn; thực hiện đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10; và đã học một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của các con vật quen thuộc.

Mô tả hoạt động trải nghiệm
    Hoạt động trải nghiệm tạo điều kiện cho học sinh được thực hành nhận dạng các hình học toán học (hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật), nêu và thể hiện được đặc điểm của một số loài vật quen thuộc đã học. Bên cạnh đó, học sinh biết thực hành theo hướng dẫn để vẽ và thể hiện đặc điểm của một đối tượng. Hoạt động giúp học sinh hình thành các kĩ năng như vẽ và phát triển ý tưởng sáng tạo.

Nội dung tích hợp trong bài học


Môn học tích hợp

Tự nhiên và xã hội

  • Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của một số con vật.
  • Chỉ và nói được tên các bộ phận bên ngoài của một số con vật.

Mỹ thuật

  • Tạo được một số loại nét khác nhau, biết sử dụng nét để mô phỏng đối tượng.

Toán

  • Đếm, đọc, viết được các số trong phạm vi 10.
  • Nhận dạng được hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.

I. Mục tiêu

  • Nêu được tên và một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của một số con vật;
  • Vẽ và tạo hình được các con vật dựa vào các hình học toán học (hình tam giác, hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật).
  • Quan sát và nêu được nhận xét về hiện tượng xảy ra: hình vẽ bằng bút lông (loại viết bảng có thể xoá được) nổi được trên mặt nước.
  • Vận dụng được kết quả quan sát và thực hành để vẽ các con vật và làm cho chúng nổi được trên mặt nước.
  • Tạo được sản phẩm là các con vật từ vật liệu bút lông viết bảng, đĩa sứ và nước.
  • Nêu được tên một số công cụ (bút lông viết bảng, đĩa sứ,…) để thực hành vẽ các con vật.
  • Hợp tác được với các thành viên trong nhóm khi thực hiện sản phẩm.
  • Chăm chỉ, chú ý khi quan sát hiện tượng, thực hiện sản phẩm.
II. Đồ dùng dạy học
  • Các phiếu học tập và phiếu đánh giá (phụ lục).
  • Nguyên vật liệu giáo viên cung cấp cho mỗi nhóm học sinh:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Đĩa sứ trắng sâu lòng 1 đĩa/ cá nhân
2 Bút lông viết bảng (màu xanh) 1 bút/ cá nhân
3 Phiếu đánh giá 1 phiếu/ nhóm (đính kèm)

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1: Mở đầu (Xác định vấn đề)

a) Đặt vấn đề

  • Giáo viên kể cho học sinh nghe câu chuyện về ước mơ của các con vật trong Nông trại vui vẻ, trong đó các con vật như bò, gà, ngựa,… mong ước được biết bơi giống như bạn cá, bạn vịt, bạn ếch, để có thể thoả sức chơi đùa với nhau trong hồ nước của nông trại.
  • Giáo viên đặt câu hỏi:
    • Có những con vật nào được kể trong câu chuyện vừa nghe?
    • Những con vật đó có đặc điểm gì?
    • Chúng đang sống ở đâu?
    • Mỗi con vật có những bộ phận đặc trưng nào?
  • *Lưu ý: Khi tổng hợp ý kiến của học sinh, giáo viên nên kẻ cột, phân loại động vật sống dưới nước/ động vật sống trên cạn.
  • Giáo viên đặt câu hỏi:
    • Ước mơ của những con vật trong nông trại là gì?
    • Các em có muốn giúp đỡ các con vật ở trong nông trại thực hiện được ước mơ không?
  • Giáo viên cho học sinh trình bày ý kiến rồi đặt ra vấn đề là liệu chúng ta có thể tạo ra một nông trại với đa dạng các con vật nổi trên mặt nước không.

b) Nhận nhiệm vụ

  • Giáo viên cho học sinh quan sát một số mẫu vẽ con vật đơn giản từ những hình cơ bản: hình vuông, hình tròn, hình tam giác để học sinh tham khảo.
    Hình 3.17. Hình vẽ cá và ếch từ hình tam giác, hình tròn
  • Giáo viên vẽ mẫu một con vật bằng bút lông viết bảng lên đĩa sứ trắng. Khi hình vẽ đã hoàn toàn khô, giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh: Nếu cho nước vào đĩa có hình vẽ này thì điều gì sẽ xảy ra?
  • Học sinh dự đoán hiện tượng sẽ xảy ra: Hình vẽ biến mất/ hình vẽ nổi lên…
  • Giáo viên nhúng từ từ đĩa vào chậu nước (đĩa đặt nằm nghiêng). Học sinh quan sát hiện tượng (hình vẽ từ từ tách khỏi đĩa, nổi lên và trôi trên mặt nước).
  • Giáo viên đặt câu hỏi: Vì sao những hình vẽ này lại nổi lên?
  • Học sinh giải thích theo phán đoán của bản thân.
  • Giáo viên giải thích: Các hình vẽ sau khi khô sẽ nhẹ và bong ra khỏi đĩa được khi gặp nước, do nhẹ nên nó có thể nổi trên mặt nước.
  • Giáo viên giao nhiệm vụ: Mỗi nhóm sẽ thực hiện làm một “nông trại nổi”, tức là vẽ các con vật yêu thích bằng bút lông viết bảng trên đĩa sứ trắng, sau đó nhúng đĩa vào chậu nước để các con vật nổi lên.
  • Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh làm một nông trại nổi trên mặt nước với các yêu cầu sau:
    • (1) Sử dụng tam giác, hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật để vẽ được ít nhất 1 con vật.
    • (2) Các con vật phải bong ra và nổi lên được trên mặt nước khi nhúng đĩa vào nước.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

  • Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ (4 - 6 học sinh/ nhóm).
  • Giáo viên giới thiệu vật liệu, yêu cầu học sinh thảo luận và trả lời các câu hỏi vào phiếu học tập.
    • Nông trại của nhóm em sẽ có những con vật nào? Bao nhiêu con vật?
    • Mỗi bạn sẽ vẽ mấy con vật?
    • Các con vật này có đặc điểm gì và có thể vẽ bằng những hình nào?
    • Vẽ lên đâu? Có cần tô màu không?
    • Cần chờ đến khi nào thì mới đổ nước vào?
  • Học sinh thảo luận và ghi phân công thực hiện vào phiếu học tập.
  • Sau khi các nhóm hoàn thành Phiếu học tập, giáo viên mời đại diện 1 nhóm học sinh chia sẻ về kết quả làm việc của nhóm mình.
  • Các nhóm còn lại lắng nghe và có thể đặt thêm câu hỏi cho nhóm bạn (nếu có).
  • Giáo viên có thể đặt thêm một số câu hỏi gợi ý nếu học sinh chưa biết cách làm hoặc giải đáp thắc mắc.
  • Giáo viên giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm thực hành với yêu cầu: Dựa vào kết quả thảo luận ở Phiếu học tập, các thành viên trong nhóm phân chia nhiệm vụ và thực hành làm nông trại có các con vật nổi trên mặt nước; hoặc nếu có điều chỉnh so với ban đầu thì ghi chú lại và giải thích cho sự điều chỉnh đó.

b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá

  • Học sinh thực hiện làm sản phẩm theo nhóm. Giáo viên quan sát, hỗ trợ, ghi nhận tinh thần làm việc của các nhóm.
  • Dự kiến các trường hợp xảy ra:
    • (1) Con vật không nổi lên.
      • Giáo viên đặt câu hỏi “Tại sao?” để học sinh tìm nguyên nhân. Do nhúng đĩa vào nước quá nhanh khiến hình vẽ không kịp bong ra mà vẫn dính ở đĩa. Hoặc do hình vẽ xong quá lâu mới nhúng vào nước, lúc này hình vẽ đã dính chắc vào đĩa sẽ khó bong ra và nổi lên.
      • Giáo viên gợi ý cách điều chỉnh: Chờ hình vẽ vừa khô, đặt nghiêng đĩa nhúng từ từ vào nước.
    • (2) Con vật bị rách, đứt đoạn, biến dạng, ko rõ hình khi nổi lên.
      • Giáo viên đặt câu hỏi “Tại sao?” để học sinh tìm nguyên nhân: Do hình vẽ quá mảnh, tô không kín màu.
      • Giáo viên gợi ý cách điều chỉnh: Vẽ các nét đậm hơn, tô kín màu.
  • Hình 3.18. Vẽ và làm nổi hình vẽ con vật trên mặt nước

c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

  • Giáo viên tổ chức cho học sinh chơi trò chơi sắm vai “Hướng dẫn viên du lịch”. Mỗi nhóm sẽ là hướng dẫn viên du lịch. Các nhóm khác sẽ là khách tham quan du lịch. Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu về trang trại của nhóm mình: Gồm có những con vật gì, những con vật này là con vật sống ở trên cạn hay dưới nước, có lợi hay có hại,…
  • Học sinh thực hiện đánh giá sản phẩm của nhóm bạn theo Phiếu đánh giá.
  • Tổng kết nhóm nào có trang trại nổi đẹp nhất, có nhiều con vật nhất.
  • Giáo viên nhận xét tiết học, tuyên dương tinh thần làm việc của học sinh.
IV. Phụ lục

1. Phiếu học tập

PHIẾU HỌC TẬP

A. Thực hành (theo nhóm)

Câu hỏi Trả lời
- Em sẽ vẽ con vật nào?
- Con vật này có những bộ phận nào và có đặc điểm gì?
- Bộ phận nào đặc trưng cho con vật này?
- Em vẽ bằng bút gì?
- Em sẽ vẽ lên đâu?

B. Phân công

Thành viên Tên con vật
Bạn ……………………………………………………………………… sẽ vẽ con
Bạn ……………………………………………………………………… sẽ vẽ con
Bạn ……………………………………………………………………… sẽ vẽ con
Bạn ……………………………………………………………………… sẽ vẽ con
Bạn ……………………………………………………………………… sẽ vẽ con
2. Phiếu đánh giá

PHIẾU ĐÁNH GIÁ

Tên nhóm đánh giá:

Tên nhóm được đánh giá :

Tổng điểm:

Đánh dấu vào X vào ô tương ứng để đánh giá về sản phẩm và phần trình bày của nhóm bạn.
STT Tiêu chí
1 Hình vẽ sử dụng các hình học phù hợp và mô phỏng đúng con vật.
2 Các con vật đều nổi trên mặt nước.
3 Nêu được tên tất cả các con vật trong nông trại.
4 Trình bày hấp dẫn.

3. Sản phẩm minh họa

Hình 3.19. Sản phẩm minh họa Nông trại nổi