Chủ đề STEM: Cơ thể của cây

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và xã hội

Thời lượng: 2 tiết

Thời điểm tổ chức

Khi dạy bài đầu tiên của chủ đề Thực vật và động vật, mạch nội dung thực vật và động vật xung quanh (môn Tự nhiên và xã hội).

Mô tả bài học

  • Nội dung môn Tự nhiên và xã hội có yêu cầu cần đạt liên quan việc tìm hiểu đặc điểm cơ bản của cây, cụ thể là:
    • Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây và con vật thường gặp.
    • Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để chỉ và nói (hoặc viết) được tên các bộ phận bên ngoài của một số cây và con vật.
  • Để đạt được yêu cầu này, trong bài học STEM “Cơ thể của cây”, học sinh sẽ làm mô hình cây thông bằng cách sử dụng các hình tam giác đơn giản, thông qua đó học sinh cũng mô tả và làm rõ được các bộ phận cơ bản của cây gồm rễ, thân và lá.

Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học


Môn học chủ đạo

Tự nhiên và xã hội

  • Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây thường gặp.
  • Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để chỉ và nói (hoặc viết) được tên các bộ phận bên ngoài của một số cây.
Môn học tích hợp

Mỹ thuật

  • Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm.
  • Sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.
  • Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.
  • Biết chia sẻ ý định sử dụng sản phẩm.
  • Biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn trong thực hành, sáng tạo.

Toán

  • Nhận dạng được hình tam giác thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
  • Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật.
  • BThực hiện được việc đo độ dài bằng thước thẳng với đơn vị đo là cm.

I. Yêu cầu cần đạt(của bài học)

  • Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây thường gặp (cây thông).
  • Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để chỉ và nói (hoặc viết) được tên các bộ phận bên ngoài của một số cây.
  • Biết cách sử dụng kéo, hồ dán,… để làm cây thông giáng sinh từ vật liệu bìa cứng, hạt xốp, keo,... ; có dùng các chấm, nét, màu sắc để trang trí sản phẩm.
  • Nêu được tên các màu đặc trưng của cây thông giáng sinh, tuyết và vật trang trí.
  • Bước đầu mô tả, chia sẻ được cảm nhận về hình ảnh chính ở sản phẩm và nói được ý định sử dụng cây thông là để trang trí nhân dịp Giáng sinh.
  • Nhận dạng được hình tam giác thông qua việc sử dụng vật thật (bìa tam giác).
  • Nhận biết và thực hiện được việc lắp ghép, xếp hình gắn với sử dụng vật thật (lắp ghép các tam giác làm các tầng cho cây thông giáng sinh).
  • Trình bày được sản phẩm học tập bằng lời.
  • Chăm chỉ, chú ý khi quan sát và thực hiện sản phẩm.

II. Đồ dùng dạy học

1. Chuẩn bị của giáo viên

  • Phiếu đánh giá (dành cho giáo viên).
  • Nguyên vật liệu giáo viên cung cấp cho các nhóm học sinh:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Mẫu cắt 3 cây thông 1 bộ/ nhóm Xem phụ lục 1
2 Hạt xốp màu trắng và các màu khác 1 gói/ nhóm
3 Đĩa nhựa (đường kính khoảng 20cm) 1 cái/ nhóm
4 Bộ dán sticker 1 sticker/ HS
5 Phiếu học tập 1 1 tờ/ nhóm Xem phụ lục 1
6 Phiếu học tập 2 1 tờ/ nhóm Xem phụ lục 2
7 Phiếu đánh giá 1 tờ/ nhóm Xem phụ lục 4

2. Chuẩn bị của học sinh

  • Giao cho mỗi nhóm (4 học sinh) tự chuẩn bị một số nguyên vật liệu như sau:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng
1 Giấy màu, đất sét 1 bộ/ nhóm
2 Keo khô, kéo, băng keo hai mặt 1 bộ/ nhóm
3 Bút màu 1 bộ/ nhóm

III. Các hoạt động dạy học chủ yếu

1. Hoạt động 1. Mở đầu (Xác định vấn đề)

  • Giáo viên đặt câu hỏi gợi mở:
    • Trong dịp lễ giáng sinh, mọi người thường trang trí những gì? (Cây thông, ông già noel, đèn giáng sinh…)
    • Em có thích cây thông noel cho mùa giáng sinh không?
  • Giáo viên giới thiệu dẫn dắt: Cây thông là một loài cây có thể phát triển và tươi tốt quanh năm dù khí hậu có lạnh lẽo hay giá buốt. Vì vậy, các quốc gia phương Tây đã lựa chọn cây thông để làm biểu tượng của Giáng sinh.
  • Giáo viên đề xuất cho học sinh cùng làm một cây thông giáng sinh với yêu cầu như sau:
    • Cây thông có đủ các bộ phận.
    • Cây thông có 4 tầng lá và các tầng cách nhau 3 cm.
    • Cây thông đứng được.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới (Nghiên cứu kiến thức nền)

- Giáo viên cho học sinh quan sát hình ảnh cây thông, thảo luận nhóm để đặt ra một số câu hỏi về các đặc điểm bên ngoài của cây.

*Gợi ý:

  • Cây thông có hình dạng gì?
  • Cây thông gồm những bộ phận nào?
  • Thân cây có điểm gì đặc biệt?
  • Lá của cây có hình dạng và màu sắc như thế nào?

Hình 3.31. Trò chơi lướt ván diều

- Giáo viên mời một vài học sinh đại diện để nêu các câu hỏi, từ đó giáo viên kết luận: nhìn bên ngoài, chúng ta sẽ thấy những đặc điểm của cây về hình dạng, màu sắc và các bộ phận của cây.

- Từ đó, giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm để tìm hiểu đặc điểm và các bộ phận bên ngoài của cây thông thông qua phiếu học tập 1 (xem phụ lục).

  • Đọc và thực hiện các yêu cầu sau
    • 1. Quan sát tranh và trả lời câu hỏi.
    • - Nhìn từ xa, cây thông có hình dạng gì?
    • - Cây thông có những bộ phận chính nào?
    • - Các bộ phận có đặc điểm về màu sắc và hình dạng như thế nào?
    • 2. Vẽ lại cây thông và ghi tên các bộ phận bên ngoài của cây thông.
  • - Giáo viên lưu ý học sinh xác định vị trí của rễ và vẽ thêm rễ cho cây thông.

    - Giáo viên mời một vài học sinh đại diện trình bày, từ đó tổng kết: Các cây, ví dụ cây thông, thường có ba bộ phận chính là rễ, thân, lá. Ngoài ra, một số cây còn có hoa và quả.

    3. Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng

    a) Đề xuất và lựa chọn giải pháp

    • Giáo viên đặt câu hỏi định hướng học sinh về ý tưởng thực hiện sản phẩm:
      • Cây thông em vừa vẽ có mấy tầng?
      • Nếu cắt ra thì cây thông này có đứng được không?
      • Có thể dùng những vật liệu gì để tạo thành các bộ phận của cây thông?
      • Làm thế nào để cây thông giả có thể đứng vững được?
    • Học sinh nêu ý kiến và giáo viên ghi nhận (có thể ghi lên bảng để nhận xét và trao đổi).
    • Giáo viên cho học sinh xem hình sản phẩm mẫu và vật liệu:
      Hình 3.32. Cây thông 3 mặt bằng giấy và vật liệu diều
    • Giáo viên đặt các câu hỏi:
      • Nếu dùng 1 hình tam giác để làm 1 tầng thì em cần mấy tam giác?
      • Các tam giác này sẽ bằng nhau hay lớn nhỏ khác nhau?
      • Xếp hai tam giác thế nào để được 2 tầng? (xếp chồng lên nhau và so le)
      • Làm thế nào để dán 3 mặt cây thông lại với nhau? (Giáo viên hướng dẫn khi học sinh thực hiện)
      • Dùng vật liệu gì làm thân cây? (que tre)
      • Đặt thân cây ở đâu? (giữa)
      • Làm thế nào để cây thông đứng được? (đặt lên viên đất sét nặn hình)
      • Trang trí như thế nào? Bằng vật liệu gì? (vẽ, dán hạt xốp,...)
    • Học sinh thảo luận nhóm và ghi ngắn gọn câu trả lời vào Phiếu học tập 2. Trong quá trình thảo luận nhóm, giáo viên quan sát và hỗ trợ các nhóm khi cần.
    • Giáo viên cho 1-2 học sinh đại diện nhóm trình bày kết quả và chốt cách làm.
    • * Lưu ý: giáo viên có thể bổ sung thêm hoạt động cho học sinh thực hành dán 3 hình vuông/ hình tròn/ bằng giấy đâu lưng vào nhau.

    b) Chế tạo, thử nghiệm và đánh giá

    • Giáo viên phát nguyên vật liệu cần thiết cho các nhóm (mẫu cắt cây thông, đất sét, kéo, hồ dán, giấy màu, băng keo).
    • Giáo viên hướng dẫn học sinh làm cây thông theo các bước như sau:
    • Hình 3.33. Cách làm cây thông
    • Giáo viên dặn dò các nhóm xem lại các tiêu chí của sản phẩm để bảo đảm đạt yêu cầu; đồng thời bảo quản tốt dụng cụ, vật liệu, giữ vệ sinh trong quá trình làm sản phẩm.
    • Giáo viên theo dõi, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của học sinh trong quá trình làm sản phẩm của học sinh khi cần.

    c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh

    • Giáo viên bố trí một góc trưng bày trước lớp và đặt sẵn bảng tên các nhóm. Học sinh các nhóm đặt sản phẩm vào đúng vị trí của nhóm mình.
    • Giáo viên tổ chức cho học sinh đại diện nhóm trình bày sản phẩm với các nội dung gợi ý:
      • Cây thông giáng sinh của nhóm gồm các bộ phận bên ngoài nào?
      • Em đã dùng những nguyên vật liệu để tạo các bộ phận bên ngoài của cây?
      • Em đã dùng những nguyên vật liệu để tạo các bộ phận bên ngoài của cây?
    • Các nhóm còn lại không nêu lại những nội dung giống với nhóm trước mà bổ sung những nội dung mà nhóm trước chưa trình bày.
    • Giáo viên nêu lại tiêu chí đánh giá sản phẩm và tổ chức đánh giá:
      • (1) Học sinh đánh giá: Mỗi nhóm được phát một phiếu bình chọn. Sau đó, dự quan sát tất cả các sản phẩm, chọn ra một sản phẩm yêu thích nhất và viết số thứ tự của nhóm làm sản phẩm đó (ví dụ, nếu yêu thích nhóm 1 thì viết số 1). Đại diện nhóm gửi phiếu bình chọn cho giáo viên.
      • (2) Giáo viên đánh giá: tiến hành công khai đánh giá sản phẩm các nhóm dựa theo tiêu chí đã nêu, sau đó bình chọn cho sản phẩm yêu thích nhất. Giáo viên tổng kết số phiếu bình chọn, tuyên dương nhóm có sản phẩm yêu thích nhất và khuyến khích, động viên học sinh cả lớp.
    • Giáo viên có thể đặt 1 số câu hỏi thảo luận mở rộng:
      • Nếu được tự lựa chọn nguyên vật liệu thì nhóm em sẽ chọn nguyên vật liệu làm rễ, thân, lá cây?
      • Cảm nhận của em khi sản phẩm hoàn thành là gì? Trong khi làm sản phẩm và làm việc nhóm, nhóm em gặp những khó khăn gì?
    • Giáo viên chốt lại các nội dung quan trọng của chủ đề: nhận diện một số đặc điểm nổi bật và vẽ và nói về các bộ phận bên ngoài của cây.

    IV. Phụ lục

    1. Phiếu học tập

    Phiếu học tập 1 - Tìm hiểu “cơ thể” của cây thông

    Phiếu học tập 2 – Thảo luận nhóm đề xuất giải pháp

    A. Thực hành (theo nhóm)

    Câu hỏi Trả lời
    Nếu dùng 1 hình tam giác để làm 1 tầng thì em cần mấy tam giác?
    Các tam giác này sẽ bằng nhau hay lớn nhỏ khác nhau?
    Xếp các tam giác thế nào để được các tầng của một mặt cây thông?
    Làm thế nào để dán 3 mặt cây thông lại với nhau?
    Dùng vật liệu gì làm thân cây?
    Đặt thân cây ở đâu?
    Làm thế nào để cây thông đứng được?
    Trang trí như thế nào? Bằng vật liệu gì?

    B. Phân công

    Thành viên Nhiệm vụ
    Bạn .................................................. sẽ
    Bạn .................................................. sẽ
    Bạn .................................................. sẽ
    Bạn .................................................. sẽ
    Bạn .................................................. sẽ

    2. Phiếu đánh giá

    STT Tiêu chí Các mức độ
    1 Cây thông được thiết kế phải có hình dạng giống với cây thông thật và phải có một số bộ phận bên ngoài như thân, lá.
    2 Cây thông có 4 tầng lá và mỗi tầng cách nhau 3 cm.
    3 Mỗi tầng lá có dạng hình tam giác và phải được sắp xếp theo thứ tự tầng nhỏ hơn ở trên và tầng lớn hơn ở dưới.
    4 Cây thông phải đứng vững và phải được trang trí phù hợp với ngày giáng sinh.

    3. Mẫu làm cây thông

    Hình 3.31. Mẫu làm cây thông

    4. Sản phẩm minh họa

    Hình 3.32. Sản phẩm minh họa cây thông