Chủ đề: Chong chóng gió

Môn học chủ đạo: Tự nhiên và Xã hội

Thời lượng: 1 tiết

Thời điểm tổ chức

Sau khi học sinh đã có thể đọc, viết được câu ngắn và đã học mạch nội dung về thời tiết ở chủ đề Trái đất và Bầu trời. )

Mô tả hoạt động trải nghiệm
    Trong hoạt động trải nghiệm này, học sinh được nêu ý kiến về cách để nhận biết hiện tượng thời tiết gió mạnh hay yếu bằng cách thức đơn giản. Học sinh biết thực hành theo hướng dẫn sử dụng kéo, hồ dán,... để làm một sản phẩm, thông qua đó học sinh cũng học được cách tự giữ an toàn cho bản thân trong việc sử dụng các dụng cụ kỹ thuật.
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học
Môn học tích hợp

Tự nhiên và xã hội

  • Mô tả được một số hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió,... ở mức độ đơn giản.

Mỹ thuật

  • Thực hiện được các bước trong thực hành tạo ra sản phẩm.
  • Sử dụng được vật liệu sẵn có để thực hành, sáng tạo.
  • Trưng bày, chia sẻ được cảm nhận về sản phẩm.
  • Biết cách sử dụng công cụ phù hợp với vật liệu và an toàn trong thực hành, sáng tạo.

Toán

  • Nhận dạng được hình vuông, hình tròn, hình tam giác, thông qua đồ dùng cá nhân hay vật thật.
I. Yêu cầu cần đạt (của bài học)
  • Mô tả được hiện tượng gió ở mức độ đơn giản.
  • Đề xuất được ý tưởng cánh chong chóng để xác định độ mạnh yếu của gió.
  • Chế tạo được sản phẩm chong chóng từ vật liệu bìa cứng, ống hút, dây kẽm,...
  • Biết cách sử dụng kéo, hồ dán,… để làm chong chóng và giữ an toàn trong thực hành, sáng tạo cho mình và cho bạn cùng nhóm.
  • Giữ gìn vệ sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.
II. Đồ dùng dạy học
  • Các phiếu học tập và phiếu đánh giá (phụ lục).
  • Dụng cụ giáo viên chuẩn bị để sử dụng chung. Sản phẩm cần sử dụng đến súng bắn keo là dụng cụ nguy hiểm đối với học sinh tiểu học, do đó, giáo viên là người sử dụng để thực hiện thao tác đó cho tất cả các nhóm.
  • Nguyên vật liệu giáo viên cung cấp cho mỗi nhóm học sinh:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Bút chì 1
2 Tờ giấy hình vuông 21 cm x 21 cm 1
3 Đinh mũ nhựa 1
4 Bút lông 1
III. Các hoạt động dạy học chủ yếu
1. Hoạt động mở đầu (Xác định vấn đề)
a) Đặt vấn đề
  • Giáo viên cho học sinh quan sát 3 bức tranh về một số hoạt động ngoài trời. Giáo viên yêu cầu học sinh mô tả về hoạt động đó và điều kiện thời tiết cần cho hoạt động đó.
Hình 3.35a. Thả diều
Hình 3.35b. Trò chơi lướt ván diều
  • Giáo viên có thể đặt cho học sinh một số câu hỏi gợi mở.
    + Em thấy có hoạt động gì trong hai bức ảnh? (thả diều và lướt ván diều).
    + Em có biết là điều kiện thời tiết phải như thế nào thì chúng ta mới thực hiện được hai hoạt động này không? (trời không mưa và phải có GIÓ).
    + Nhìn vào hai bức ảnh, em có biết gió trong bức ảnh nào to hơn không? (trò chơi lướt ván diều cần gió rất to).
  • Giáo viên cho học sinh trình bày ý kiến và viết ngắn gọn các ý kiến lên bảng lớp. Giáo viên lưu ý dẫn dắt để học sinh mô tả thời tiết rõ ràng.
  • *Lưu ý: Với câu hỏi thứ 3, giáo viên chia sẻ thêm với học sinh về địa điểm nổi tiếng mà du khách đến Việt Nam để chơi. Đó là ở tỉnh Ninh Thuận vì vừa có biển và gió ở đó rất to.
  • Giáo viên đặt câu hỏi gợi mở: Liệu có cách nào đơn giản để chúng ta biết được gió đang lớn hay nhỏ khi đang đi ngoài đường không?
  • Giáo viên cho học sinh trình bày ý kiến, ghi nhận các ý kiến.
b) Giao nhiệm vụ
  • Giáo viên cho học sinh quan sát bức ảnh một cái chong chóng, và hỏi học sinh: Chong chóng có thể giúp chúng ta biết được gì về hiện tượng gió?
  • Học sinh nêu ý kiến.
  • Giáo viên ghi nhận và giải thích thêm: Chong chóng có thể giúp chúng ta xác định được hướng gió và nhận biết xem liệu gió ở vị trí nào mạnh hơn.
  • Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm thiết kế chong chóng gió với các yêu cầu:
    (1) Chong chóng có 4 cánh.
    (2) Chong chóng quay được khi có gió.
    (3) Chong chóng được trang trí đẹp, có biểu tượng và tên nhóm.

2. Hoạt động 2: Luyện tập và vận dụng (Tìm giải pháp, chế tạo và chia sẻ)

a) Khám phá chong chóng gió và đề xuất giải pháp

  • Giáo viên chia lớp thành các nhóm nhỏ (4 học sinh).
  • Giáo viên cho học sinh quan sát một cái chong chóng đã được chuẩn bị sẵn và lần lượt đặt các câu hỏi.
    + Chong chóng có mấy cánh? (4 cánh)
    + Khi có gió thổi vào chong chóng thì nó thế nào? (quay tròn)
    + Khi chong chóng quay, nó quay quanh vị trí? (điểm giữa)
    + Chong chóng có mấy bộ phận? (cánh, trục quay, tay cầm)
    + Cánh chong chóng làm bằng vật liệu gì? (giấy)
    + Trục quay làm bằng vật liệu gì? (đinh mũ nhựa)
    + Tay cầm làm bằng vật liệu gì? (bút chì có gôm)
  • Sau đó giáo viên mở chong chóng rời ra từng bộ phận để học sinh quan sát thấy cấu trúc bên trong và lần lượt đặt câu hỏi định hướng cho học sinh:
    + Khi được mở ra, em thấy chong chóng được tạo thành từ hình gì? (hình vuông)
    + Hình này được cắt thành mấy phần? (4 phần)
  • Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm nhanh để mô tả cách để chế tạo một chiếc chong chóng gió như mẫu.
  • Học sinh thảo luận và sau đó giáo viên có thể mời một vài em đại diện các nhóm chia sẻ ngắn gọn.
  • Giáo viên tổng kết lại bằng cách giới thiệu các vật liệu và yêu cầu học sinh làm việc nhóm sắp xếp các bước thực hiện sản phẩm thông qua phiếu học tập.
  • Giáo viên cho các nhóm trình bày thứ tự các bước đã ghi trong Phiếu học tập để đối chiếu và giáo viên chốt kết quả.
b) Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá
  • Dựa vào kết quả thứ tự các bước làm chong chóng gió trong Phiếu học tập, các thành viên trong nhóm phân chia nhiệm vụ và thực hành làm chong chóng.
  • Lưu ý: giáo viên hỗ trợ học sinh sử dụng súng bắn keo.
  • Sau khi hết thời gian làm sản phẩm, giáo viên thông báo và cho thêm 2 phút để các nhóm học sinh dọn vệ sinh khu vực thực hành làm sản phẩm.
c) Chia sẻ, thảo luận và điều chỉnh
  • Giáo viên tổ chức cho học sinh trình bày sản phẩm của nhóm và thử nghiệm sản phẩm khi thổi hoặc bật quạt.
  • Giáo viên hướng dẫn hoạt động báo cáo sản phẩm:
    + Thành viên đại diện của các nhóm học sinh trình bày về sản phẩm của nhóm với các nội dung sau:
    (1) Giới thiệu sản phẩm chong chóng gió và các bộ phận của nó.
    (2) Biểu diễn cách làm chong chóng quay (thổi/ quạt,...)
    (3) Nêu cảm nhận, nêu ý tưởng khi trang trí sản phẩm.
    + Các nhóm khác bình chọn chong chóng gió đẹp nhất, sáng tạo và đáp ứng các tiêu chí trong yêu cầu sản phẩm bằng cách dán sticker ngôi sao cho nhóm mà mình yêu thích. Mỗi nhóm được 3 sticker ngôi sao để bình chọn cho nhóm bạn.
  • Các nhóm tiến hành báo cáo và bình chọn sản phẩm yêu thích.
  • Giáo viên tổng kết số lượng ngôi sao của mỗi nhóm và trao thưởng cho nhóm chiến thắng là nhóm có nhiều ngôi sao nhất, khuyến khích học sinh có thể về nhà tự làm chong chóng để ở bàn học để trang trí không gian học tập thêm sinh động.
IV. Phụ lục
1. Phiếu học tập
PHIẾU HỌC TẬP
Điền số thứ tự các bước thực hiện vào cột đầu tiên.
Bước số Thao tác thực hành Hình minh họa
1 Dùng đinh mũ nhựa ghim qua tâm chong chóng
2 Cắt theo đường nét đứt từ đỉnh hình vuông vào trong
3 Cắt hình vuông
4 Lần lượt dán các góc vào giữa bìa
5 Dán keo vào 4 góc
6 Ghim đinh mũ vào đầu gôm của bút chì
2. Phiếu dánh giá

PHIẾU ĐÁNH GIÁ

Tên nhóm đánh giá:

Tên nhóm được đánh giá :

Tổng điểm:

Đánh dấu vào X vào ô tương ứng để đánh giá về sản phẩm và phần trình bày của nhóm bạn.
STT Tiêu chí Tự đánh giá

Tốt

Đạt Chưa đạt
1 Chong chóng có 4 cánh.
2 Chong chóng quay được khi có gió.
3 Chong chóng được trang trí đẹp, có biểu tượng và tên nhóm.

3. Sản phẩm minh họa

Hình 3.37. Sản phẩm minh họa Chong chóng gió